Lào Cai sẽ phát triển ngày càng giàu mạnh
Chứng kiến sự phát triển toàn diện của tỉnh sau 110 năm thành lập, các cán bộ lão thành bày tỏ kỳ vọng về tương lai Lào Cai sẽ trở thành tỉnh giàu mạnh khu vực miền núi phía Bắc.* Sớm trở thành tỉnh phát triển của khu vực miền núi phía Bắc
(Anh hùng Lao động Nguyễn Quý Khang, trú tại phường Thống Nhất, thành phố Lào Cai)
Theo lời kêu gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới, năm 1956, tôi rời Hà Nội lên Lào Cai lập nghiệp. Ký ức của tôi về Lào Cai khi ấy là khung cảnh tiêu điều, xơ xác. Thị xã chỉ có những căn nhà cũ kỹ, lưa thưa, xập xệ; đường sá nhỏ hẹp, lổn nhổn đất đá. Kinh tế thời kỳ này bao cấp, lại trong thời gian chiến tranh, nên khó khăn chồng chất. Đối với sản xuất công nghiệp, khó khăn nhất lúc này chính là thiếu vật tư, thiết bị kỹ thuật để sữa chữa, bảo dưỡng máy móc. “Cái khó ló cái khôn”, tôi cùng đồng nghiệp trong vùng mỏ Apatít đã tự khắc phục bằng cách nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật, tận dụng vật tư sẵn có hoặc tìm vật liệu thay thế phù hợp để sữa chữa, bảo dưỡng máy móc.
Chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới đã tác động tích cực tới tỉnh Lào Cai, tôi rất vui mừng. Từ đó đến nay, với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời, tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển. Với lợi thế về tài nguyên khoáng sản, Lào Cai đã có chiến lược, hình thành khu công nghiệp quy mô lớn, đưa vào hoạt động những nhà máy sản xuất, chế biến khoáng sản công suất cao. Người lao động dần được đảm bảo về đời sống, làm việc trong môi trường, kỹ thuật hiện đại. Điều này chỉ có trong giấc mơ của tôi khi xưa. Tôi thấy hạnh phúc, tự hào khi được chứng kiến và được đóng góp công sức nhỏ bé cho sự phát triển chung của tỉnh.
Về hưu đã nhiều năm, tôi vẫn tham gia lao động và thường xuyên nắm bắt thông tin về tỉnh qua các buổi họp ở khu dân cư và phương tiện truyền thông. Đặc biệt, những chính sách về phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) là những chủ trương phù hợp thực tế, để tỉnh có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, sớm đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực miền núi phía Bắc.
* Công tác an sinh xã hội được quan tâm hơn
(Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Minh Phương)
Tôi thật sự vui mừng khi thấy công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm, nhất là đối với các gia đình chính sách, gia đình người có công với nước. Nổi bật là việc chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng cho các gia đình chính sách rất kịp thời, đúng chế độ; việc triển khai đồng loạt chính sách về đất ở, làm nhà ở cũng đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình người có công với nước xây nhà, sửa nhà khang trang, vững chắc hơn, giúp họ yên tâm, ổn định cuộc sống lâu dài.
Bên cạnh đó, mỗi dịp lễ, tết, tỉnh Lào Cai đều tổ chức tặng quà người có công, gia đình chính sách, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần thông qua các hoạt động tri ân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng cao, biên giới, ngoài được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước như được tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giá vật tư nông nghiệp, giá điện sinh hoạt, vay vốn ngân hàng… còn được nhận quà vào dịp tết cổ truyền để có thể đón xuân no đủ, đầm ấm hơn.
Tôi mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục có những đổi mới về công tác an sinh xã hội, xây dựng và nhân rộng được các mô hình, cách làm hay trong công tác chăm sóc gia đình chính sách và hộ nghèo, để cộng đồng các dân tộc trong tỉnh có cuộc sống tốt đẹp hơn.
*. Học và làm theo Bác để xây dựng Lào Cai ngày càng giàu đẹp
(Ông Hoàng Trá Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh)
Tôi nhớ lần đầu tiên được gặp Bác Hồ là khi Bác lên thăm tỉnh Lào Cai ngày 23/9/1958. Tôi sung sướng và tự hào thấy hình ảnh của Bác như người cha thân thương, trìu mến, gần gũi. Bác Hồ căn dặn đồng bào Lào Cai: “Phải cố gắng làm thế nào cho đồng bào no cơm ấm áo hơn nữa. Muốn vậy thì phải tăng gia sản xuất... Cán bộ phải hướng dẫn đồng bào, đặc biệt đồng bào rẻo cao định canh, bảo vệ rừng, dùng phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật cày, cấy”.
Vâng theo lời Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn luôn ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bằng những chương trình hành động cụ thể, người dân Lào Cai đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách, biến thị xã Lào Cai nhỏ bé năm xưa thành một thành phố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bề thế bên con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đến nay, sự nghiệp “trồng người” của tỉnh được quan tâm ở tất cả các cấp học, kết quả giáo dục và đào tạo sánh ngang hoặc vượt so với nhiều địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được đảm bảo; công tác quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững, tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác đối ngoại sôi động và thu được nhiều kết quả mới, đưa quan hệ giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tổ chức quốc tế lên tầm cao mới. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều đạt những thành tựu quan trọng và toàn diện...
Lời Bác dạy năm xưa ghi sâu trong tâm hồn mỗi người dân Lào Cai. Nhờ có Bác chỉ lối và dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Lào Cai tiếp tục đoàn kết, xây dựng Lào Cai ngày càng giàu đẹp.
* Giáo dục là nền tảng để vùng cao Lào Cai phát triển
(Ông Hoàng Chúng, nguyên Phó Ty giáo dục, Phó trưởng Ban Dân vận và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai giai đoạn 1975 - 2002)
Niềm vui và tự hào lớn nhất mà tôi cảm nhận được, đó là diện mạo mới của nền giáo dục tại Lào Cai đã không ngừng được đổi mới và phát triển trong những năm qua, rất đúng với câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Làm sao phải có "Trường ra trường, lớp ra lớp".
Năm 1964 khi tôi bắt đầu nhận công tác trong ngành giáo dục, ở tỉnh Lào Cai có duy nhất trường tiểu học để dạy xóa mù chữ cho nhân dân. Sau ngần ấy năm, ngành giáo dục trong tỉnh đã có thay đổi vượt bậc. Ví dụ, ở xã nghèo La Pán Tẩn (Mường Khương) cũng có 3 trường học, trong khu vực còn có cả trường THPT của huyện được đặt tại xã Cao Sơn; các trường học đều được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang. Giáo dục phát triển kéo theo sự thay đổi rất lớn từ đời sống của nhân dân cho tới sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Có giáo dục, con người được mở mang kiến thức, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được biết chữ, từ đó có thể đọc sách, đọc báo, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ngày nay ở vùng cao, con em các dân tộc đều được đi học đầy đủ, sự phát triển của các mạng truyền thông, internet, truyền hình giúp người dân được học tập và cập nhật tình hình của tỉnh, của cả nước và thế giới.
Để có được sự phát triển như ngày hôm nay, trước hết phải kể đến công lao to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn đoàn kết, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tôi rất cảm động và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vì qua 110 năm thành lập, Lào Cai từ một tỉnh miền núi khó khăn, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Tây Bắc và tương lai không xa sẽ trở thành tỉnh phát triển của cả nước.