Hạnh phúc khi được đóng góp vào sự phát triển của tỉnh
Trước sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh, người dân Lào Cai đã bày tỏ niềm hạnh phúc khi được đóng góp một phần công sức vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.* Lào Cai phát triển qua từng trang viết
(Nhà văn Đoàn Hữu Nam, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai)
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có quyền tự hào về một Lào Cai can trường trong tranh đấu chống giặc ngoại xâm, một Lào Cai nhiệt huyết trong thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và mọi giai đoạn lịch sử ấy đều được phác họa rõ nét qua các tác phẩm văn chương.
Ngược dòng chảy văn chương, chúng ta có thể thấy, văn học Lào Cai manh nha và phát triển khá mạnh kể từ khi các văn nghệ sỹ theo bước chân cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại. Khi đó, nhiều văn nghệ sỹ có tên tuổi như Văn Cao, Mai Khanh, Lưu Hữu Phước, Lưu Bách Thụ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Trần Đăng, Phan Kế An… đã sớm có mặt và trực tiếp tham gia các chiến dịch chống Pháp, bảo vệ Lào Cai. Các tác phẩm của các văn nghệ sỹ ra đời trong thời kỳ ác liệt đã thực sự là động lực thúc đẩy tinh thần quân và dân các dân tộc Lào Cai tiến lên giải phóng quê hương. Cũng trong cái nôi kháng chiến, công cuộc tiễu phỉ và xây dựng sau này, lực lượng sáng tạo văn học - nghệ thuật Lào Cai cũng dần hình thành và phát triển, đóng góp cho nước nhà những văn nghệ sỹ có tên tuổi.
Trong hành trình gian nan vất vả song đầy tự hào đó, mỗi văn nghệ sỹ chúng tôi đều nỗ lực cố gắng hòa nhập vào dòng chảy xã hội, dòng chảy văn học - nghệ thuật. Những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống là minh chứng cho sự đóng góp với xã hội, đồng thời minh chứng cho đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng với văn học - nghệ thuật.
Hiểu rõ trách nhiệm của một tác giả với bạn đọc, trong những năm qua, tôi đã có nhiều cố gắng trong quản lý và sáng tác, có nhiều tác phẩm đóng góp cho sự phát triển văn học - nghệ thuật tỉnh Lào Cai nói riêng, nền văn học đất nước nói chung. Trước thềm kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh, những thế hệ văn nghệ sỹ như chúng tôi bồi hồi nhìn lại những đóng góp nhỏ bé của mình trong sự phát triển chung, trong lòng dấy lên khát vọng sáng tạo, sáng tạo nhiều hơn nữa vì sự phát triển mạnh mẽ của quê hương Lào Cai.
* Chất lượng giáo dục đã được nâng cao
(Thầy giáo Vũ Năng Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Tân, thành phố Lào Cai)
Tôi vẫn nhớ, trong kỳ thi tốt nghiệp THCS thị xã Lào Cai năm học 1992 - 1993, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp chỉ đạt 37%. Khi đó, tôi được cấp trên phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng coi thi.
Công tác gần 40 năm trong ngành, tôi nhận thấy nền giáo dục của tỉnh gặt hái được nhiều thành tựu như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về chiến lược giáo dục - đào tạo. Trong đó, đã coi trọng giáo dục – đào tạo thực sự là chính sách hàng đầu, nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bên cạnh đó, có được sắc diện giáo dục ngày hôm nay còn phải kể tới sự nỗ lực khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trang, thiết bị trường học của các thầy, cô giáo, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa và đáng kể hơn là sự quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, đào tạo của cộng đồng xã hội.
Trong thời gian tới, tôi mong rằng các cấp ủy Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác giáo dục – đào tạo với mục tiêu chung là xây dựng một nền giáo dục ngày càng hiện đại và chất lượng.
*. Nhân dân vùng cao đã được quan tâm hơn về sức khỏe
(Bác sỹ Cồ Thị Liên, Trưởng Phòng Khám đa khoa khu vực Bản Xèo, Bát Xát)
Xã Bản Xèo và các xã lân cận vốn còn nhiều khó khăn, trước đây, việc tiếp cận với các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều hạn chế. Lý do chính là nhiều hộ dân giữ thói quen lên rừng hái thuốc hoặc mời thầy về nhà cúng lúc đau yếu, khi bệnh tình nặng mới đưa đến trạm y tế xã hoặc phòng khám trong khu vực, khiến việc điều trị khó khăn.
Phòng Khám đa khoa khu vực Bản Xèo được đầu tư xây mới từ năm 2011, hoạt động song song với Trạm Y tế xã Bản Xèo, có nhiệm vụ trọng tâm là khám, chữa bệnh cho người dân địa phương và các xã lân cận. Đến nay, phòng khám được đầu tư đầy đủ các trang, thiết bị để khám, chữa một số bệnh thường gặp; hạ tầng rộng rãi, thoáng mát.
Trong quá trình sử dụng, khi các thiết bị gặp sự cố, hỏng hóc đều được sửa chữa, thay mới kịp thời để phục vụ người bệnh. Kể từ đó, thay vì tự dùng thuốc, chữa bệnh tại nhà, người dân đã tin tưởng và đến khám, chữa bệnh tại phòng khám. Hầu hết các sản phụ đều đến chăm sóc sức khỏe và lựa chọn sinh con ở phòng khám, hạn chế các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Người dân nghèo vùng cao đều có bảo hiểm y tế nên không mất nhiều chi phí trong khám và chữa bệnh. Bệnh nhân phải nằm điều trị tại phòng khám cũng được hỗ trợ tiền ăn, phòng khám cũng có bếp ăn riêng, giúp người nhà thuận tiện trong việc nấu ăn, chăm sóc bệnh nhân.
Với các chính sách hỗ trợ kịp thời, sự đầu tư, quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với ngành y tế ở khu vực vùng cao, phòng khám đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy để người dân đến khám, chữa bệnh. Đội ngũ y, bác sỹ chúng tôi luôn nỗ lực hết mình trong công việc, tất cả vì sức khỏe của người dân. Hiện nay, đời sống của người dân vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, tôi mong ngành y sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt là bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn cao để công tác khám, chữa bệnh được nâng lên.
* Phát huy vai trò đảng viên, chung sức xây dựng quê hương
(Ông Giàng A Phổng, 58 tuổi, đảng viên người dân tộc Mông, thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai)
Đời sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân tộc thiểu số khác ở Mù Tráng Phìn nói riêng và huyện Si Ma Cai nói chung, trước đây rất khó khăn do trình độ hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, nên năng suất cây trồng đạt thấp. Nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, đời sống người dân đã được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, các công trình đường giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học, hệ thống cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đối với gia đình tôi, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương đã được vay vốn ưu đãi, tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế để áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình đang duy trì nghề nấu rượu ngô truyền thống gắn với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trở thành hộ có kinh tế khá trong xã.
Bản thân là một đảng viên và là Trưởng dòng họ Giàng, nên tôi phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong thôn phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất, chăn nuôi.
Tôi tin rằng, trong chặng đường phát triển tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa Lào Cai có bước phát triển hơn nữa.