Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.Xây dựng đội ngũ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Lào Cai đã thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (HĐPH PBGDPL) ở tất cả các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã. Toàn tỉnh hiện có 14 HĐPH PBGDPL, với 248 thành viên, bao gồm đại diện từ các ngành như Công an, Bộ đội Biên phòng và Quân sự. Các thành viên này đã đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức và định hướng các hoạt động tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, góp phần nâng cao tính khả thi và hiệu quả của các chương trình.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã xây dựng một đội ngũ đông đảo gồm 3.584 báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật. Trong số này, có 1.638 người là người dân tộc thiểu số (DTTS) và 1.059 người biết tiếng dân tộc, giúp công tác truyền thông pháp luật dễ tiếp cận hơn với cộng đồng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu vùng xa.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Với mục tiêu truyền tải các thông điệp pháp luật đến đông đảo người dân, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức hội nghị, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, và biên soạn phát hành tài liệu dưới dạng tờ rơi, áp phích. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2024, các cơ quan đã tổ chức 53.655 cuộc tuyên truyền, thu hút hơn 4,3 triệu lượt người tham gia và phát hành 1,3 triệu tài liệu tuyên truyền.
Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật thu hút sự theo dõi của đại biểu tại Diễn đàn Hưởng ứng ngày pháp luật năm 2023 tại Lào Cai.
Nhiều mô hình điểm đã được xây dựng, như “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” và “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai mô hình “Bộ đội Biên phòng Lào Cai đồng hành cùng thôn bản nói không với tảo hôn. Các mô hình này không chỉ đem lại kiến thức pháp luật cho người dân mà còn khuyến khích họ tham gia vào quá trình phòng chống tội phạm và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi, nhằm mở rộng kênh tiếp cận thông tin pháp luật. Sở Tư pháp Lào Cai đã vận hành trang thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật, nơi đăng tải hơn 1.800 bài viết về pháp luật. Công an tỉnh đã bổ sung thêm hơn 2.400 bài viết trên cổng thông tin của đơn vị. Các huyện, thị xã, thành phố cũng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để truyền tải nội dung pháp luật đến người dân một cách gần gũi, hiệu quả.
Tỉnh đã xây dựng hệ thống tủ sách pháp luật ở 95 xã, trong đó bao gồm các xã vùng cao và biên giới. Mỗi tủ sách được cập nhật 32 đầu sách mỗi năm với hơn 14.000 ấn phẩm. Đây là công cụ giúp người dân dễ dàng tiếp cận các quy định pháp luật, đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ cơ sở.
Các chương trình tuyên truyền theo đề án từ trung ương đến tỉnh đã được triển khai hiệu quả. Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL” là một ví dụ điển hình với hàng nghìn bài viết được đăng tải trên hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai và các cổng thành phần. Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân trong công tác PBGDPL” đã giúp cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và người dân được tuyên truyền về pháp luật thông qua các hội nghị, lớp học chuyên đề, và phim tuyên truyền tại cơ sở.
Trong hai năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức 19 buổi tuyên truyền trực tiếp, thu hút hơn 45.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” và các phiên tòa giả định cũng được tổ chức để giúp người dân hiểu thêm về pháp luật.
Việc đưa các nội dung pháp luật vào trường học đã giúp học sinh, sinh viên Lào Cai có ý thức hơn về pháp luật ngay từ khi còn nhỏ. Hằng năm, các trường THPT đều tổ chức các hoạt động tìm hiểu pháp luật lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chào cờ, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và ngoại khóa. Chỉ riêng từ năm 2022 đến 2024, đã có hơn 723.000 lượt học sinh tham gia các chương trình phổ biến pháp luật. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã thành lập Câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, tổ chức các buổi sinh hoạt, giúp học viên nắm vững các quyền và nghĩa vụ công dân.
Kết quả mà Lào Cai đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực khó khăn và biên giới. Dù vẫn còn một số khó khăn, như thiếu ngân sách và hạ tầng cho công tác TTPBGDPL ở các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng với quyết tâm của các cấp chính quyền, tỉnh Lào Cai đã và đang dần khắc phục, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa pháp luật đến gần hơn với đời sống người dân./.