Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững
Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.Lào Cai có vị trí thuận lợi, là “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc - Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam). Tài nguyên phong phú, văn hóa đa dạng với 25 nhóm ngành dân tộc. Có khu du lịch quốc gia Sa Pa với lịch sử hình thành và phát triển trên 110 năm, tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc và hơn 50 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt có đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới,… Đây là nguồn tài nguyên vô giá, lợi thế lớn để Lào Cai phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.
Mô hình hình kinh doanh homestay ngày càng được mở rộng để phục vụ du khách.
Cùng với nhiều loại hình du lịch ở Lào Cai, xu hướng “Du lịch xanh” đang ngày càng được các doanh nghiệp, người dân làm du lịch và du khách quan tâm. Yếu tố về thiên nhiên như rừng, khí hậu, cảnh quan cộng với nét văn hóa bản địa, kiến trúc truyền thống và môi trường sống an toàn, đảm bảo vệ sinh chính là nền tảng và tiền đề để du lịch xanh phát triển. Để có được những tiêu chí đó cần phụ thuộc trước tiên từ ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển nó theo hướng tích cực.
Ở Lào Cai, các mô hình du lịch xanh theo đúng nghĩa không nhiều, chủ yếu đang hoạt động theo hướng tự phát. Các mô hình tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của du khách và bằng kinh nghiệm đã từng tham gia nhiều hoạt động du lịch ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, thậm chí là tìm hiểu về xu thế du lịch xanh trên thế giới hiện nay để tìm ra lối đi riêng cho mô hình của mình.
Xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, một mô hình du lịch xanh đã được hình thành cách đây ít năm và đang phát huy hiệu quả, đó là điểm du lịch Vườn đá Tả Phìn, do Hợp tác xã Tả Phìn xanh quản lí vận hành. Vườn đá Tả Phìn là sản phẩm du lịch dịch vụ của Hợp tác xã Tả Phìn Xanh, Sa Pa với sự tham gia của 10 thành viên. Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn với diện tích trên 12 nghìn mét vuông được thiết kế, quy hoạch thành những chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch khép kín. Kiến trúc các khu ngủ nghỉ theo phong cách truyền thống các dân tộc ở địa phương. Trong các căn phòng từ nơi tiếp đón khách đến nơi ngủ nghỉ đều được trang trí những nét đặc trưng văn hóa các tộc người bản địa, tạo sự gần gũi khi du khách đến sử dụng dịch vụ. Nơi đây được thiết kế cải tạo lại mà không hề phá vỡ kết cấu cảnh quan tự nhiên sẵn có. Xen lẫn những mầm đá triệu năm mọc lên gai góc khắp khu vườn là những thảm rau xanh mướt mát được gieo trồng và chăm sóc đảm bảo an toàn để phục vụ cho nhu cầu ăn nghỉ tại chỗ của du khách. Điểm xuyết khắp vườn đá, những vườn hồng cổ, thược dược, cẩm tú cầu rực rỡ bung sắc quanh năm. Điều đặc biệt mà chủ nhân nơi đây muốn mang đến cho du khách chính là môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên gắn với đặc trưng văn hóa vùng, tộc người thiểu số ở địa phương.
Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn đã gắn kết chặt chẽ các sản phẩm dịch vụ du lịch với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc bản địa. Hàng tuần đều có đội nghệ nhân biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống của các dân tộc người Dao Đỏ, người Mông và có các hoạt động giữ gìn, bảo tồn những bộ sách cổ chữ Nôm Dao.
Bảo tồn, phát triển sản phẩm hàng thủ công, gắn với sản phẩm du lịch xanh tại Bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên.
Không chỉ ở Sa Pa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, nổi bật là bản làng của người Tày với kiến trúc nhà sàn cổ độc đáo, khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, cánh đồng thẳng cánh cò bay, núi non trùng điệp. Xác định du lịch là một trong các thế mạnh đặc biệt để phát triển kinh tế, những năm qua các cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Yên và xã Nghĩa Đô đã tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực tại chỗ, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, di sản, khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch sẵn có...nhằm từng bước biến những di sản văn hóa thành tài sản, tài nguyên du lịch vô giá...
Ở Lào Cai hiện có hàng chục điểm, mô hình, sản phẩm du lịch phát triển theo xu hướng “Du lịch xanh”, bền vững tại các địa phương như Nghĩa Đô của huyện Bảo Yên, Y Tý của huyện Bát Xát, Cốc Ly, Bản Liền, Tả Van Chư của huyển Bắc Hà và nhiều mô hình ở Sa Pa. Các mô hình gắn với nông nghiệp, rừng, sông suối, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa đã và đang hình thành, đang thu hút sự quan tâm của ngành Du lịch cũng như du khách.
Lào Cai đang triển khai xây dựng và phát triển du lịch theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”. Nhằm đưa Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hàng đầu chất lượng cao, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa dân tộc vùng núi hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Kế hoạch phát triển và tăng trưởng du lịch xanh tỉnh Lào Cai năm 2024-2025 và định hướng đến năm 2030 cũng xác định phát triển du lịch với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững. Lào Cai đưa ra mục tiêu thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch xanh. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, của du khách hưởng ứng sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ du lịch xanh. Xây dựng lối sống xanh, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phấn đấu xây dựng và tổ chức từ 05 sản phẩm du lịch xanh trở lên. 100% các điểm du lịch mới công nhận áp dụng tiêu chuẩn xanh và trồng hoa, cây xanh phù hợp với đặc điểm và điều kiện khí hậu của mỗi địa phương (khuyến khích các loại cây, hoa, đặc hữu, phù hợp với địa phương).
Chương trình xúc tiến quảng bá “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện” được triển khai 100% ở tất cả các Khu du lịch quốc gia, khu du lịch và điểm du lịch cấp tỉnh. 100% điểm du lịch văn hóa xanh, du lịch cộng đồng xanh, du lịch nông thôn xanh, du lịch sinh thái xanh trên toàn tỉnh được giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng của tỉnh. 100% cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá, hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh. 60% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch để đảm bảo phát triển nghề nghiệp du lịch bền vững.
Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và đặc biệt là du khách trong nước và quốc tế vì phát triển và tăng trưởng “Du lịch xanh Lào Cai”.