Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao Si Ma Cai
Ðể triển khai thực hiện, huyện Si Ma Cai lựa chọn hai xã điểm là Sín Chéng và Bản Mế để làm trước, từ đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Tại đây, thành lập 13 nhóm sở thích chăn nuôi gia súc tại xã Sín Chéng, với 606 con gia súc và 12 nhóm sở thích tại xã Bản Mế, với 702 con gia súc. Việc thành lập các nhóm sở thích cùng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng chất lượng cao đã giúp các hộ dân chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi; hỗ trợ, giúp đỡ nhau cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi... Bên cạnh đó, dự án "Ngân hàng bò sinh sản" cấp cho người dân địa phương 48 con; số trâu, bò theo Ðề án chăn nuôi đại gia súc đã sinh sản thêm được 21 con, nâng tổng đàn trâu, bò của địa phương lên 1.324 con. Ðây là mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa nghèo cho bà con nông dân ở địa phương.
Chăn nuôi đại gia súc được coi là mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân ở Si Ma Cai.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sau hơn hai năm, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Si Ma Cai đã chuyển mạnh từ trồng trọt sang chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðến nay, toàn huyện đã có thêm 1.397 con trâu, bò theo dự án chăn nuôi, sinh sản thêm 68 con (tăng đàn 4,8%); bà con nông dân đã trồng được hơn 700 ha cỏ voi, đáp ứng được khoảng hơn 50% nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc; chuồng trại "ba cứng" (cứng nền, cứng tường và cứng mái) hơn 3.000 cái, bảo đảm 100% gia súc được nuôi nhốt, không thả rông. Ðây chính là cơ sở để đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới Si Ma Cai thoát nghèo.