“Giữ lửa” cho tổ ấm
Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.Thêm những bếp lửa yêu thương
Một ngày mùa đông cách đây gần 5 năm, chúng tôi ngược dốc về thôn Sẻ Mản Thẩn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai để tìm gặp một cô giáo mầm non người Mông. Ngày ấy, cô giáo Vàng Thị Gếnh, giáo viên duy nhất của tỉnh Lào Cai được vinh dự có mặt tại Lễ tuyên dương những nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013 toàn quốc. Câu chuyện về một giáo viên dành tất cả tình yêu thương cho học sinh nghèo khiến tôi ấn tượng, nhưng đằng sau câu chuyện ấy còn một câu chuyện khác khiến tôi xúc động hơn và nhớ mãi đến tận bây giờ.
Khi dẫn tôi về thăm nhà, đó chỉ là ngôi nhà gỗ nhỏ tuềnh toàng nơi cô Gếnh cùng chồng và hai con nhỏ sinh sống. Chồng cô Gếnh cũng là người Mông, quê ở xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai. Vợ chồng cô Gếnh sinh được 3 người con, đáng thương là con gái đầu 8 tuổi bị khuyết tật hở hàm ếch, con trai út 5 tuổi bị liệt não bẩm sinh, chỉ nằm một chỗ. Hằng ngày, khi cô Gếnh lên lớp dạy học, chồng ở nhà vừa trông con nhỏ, vừa bơm vá, rửa xe kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng ngôi nhà nhỏ của gia đình cô giáo Gếnh vẫn luôn đầy ắp tiếng cười lạc quan và tình yêu thương. Cô giáo Gếnh tâm sự, động lực giúp cô vượt qua khó khăn là sự sẻ chia, động viên của chồng và hai con gái đều chăm ngoan, học giỏi.
Hạnh phúc. Ảnh: Ngọc Bằng |
Tại Lao Chải, thôn cao nhất của xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, nơi chỉ có đồng bào Hà Nhì sinh sống, cũng là nơi còn không ít tập tục lạc hậu trói buộc người phụ nữ Hà Nhì, thì câu chuyện của gia đình ông Lý Giá Xe, Trưởng thôn Lao Chải khiến tôi không thể nào quên. Ngôi nhà đất nhỏ của ông Xe là mái ấm chung của hơn chục người, gồm 4 thế hệ, nhưng mọi người luôn hòa thuận, yêu thương nhau. Điều đặc biệt ở đây là trong bữa cơm gia đình, ông Xe không bắt hai cô con dâu người Hà Nhì và người Giáy phải ngồi mâm khác và không được ngồi ghế ăn cơm theo phong tục của người Hà Nhì, mà tất cả cùng ngồi chung một mâm cơm, ăn uống rất vui vẻ, hòa đồng. Ông Xe bảo, để cuộc sống gia đình thêm văn minh, hạnh phúc, thì trước hết phải xóa bỏ những tập tục lạc hậu và ông cũng vận động các gia đình khác trong thôn làm theo mình.
Đến các thôn, bản vùng cao của tỉnh, tôi còn chứng kiến thêm nhiều câu chuyện xúc động khác nữa về tình cảm gia đình. Ở xã Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương) có chị Sùng Thị D là nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc, chồng chị đã không từ bỏ hy vọng, lặn lội khắp nơi để tìm vợ. Khi được giải cứu trở về nhà, chị D vô cùng hoang mang, lo lắng, sợ dân bản kỳ thị, sợ chồng không hiểu sẽ đối xử tệ bạc. Nhưng chồng chị D càng yêu thương vợ hơn, luôn gần gũi, giúp chị vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm, tự ti, cuộc sống của hai vợ chồng càng thêm hạnh phúc.
Chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình
Do hoàn cảnh kinh tế, ảnh hưởng của văn hóa, ở vùng cao Lào Cai giờ đây vẫn có không ít phụ nữ người dân tộc thiểu số lại bị chính người chồng bạo hành về tinh thần và thể xác. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, nơi cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng còn trẻ đã vội chia tay hoặc có cuộc sống không mấy hạnh phúc vì hệ lụy của bạo lực gia đình, ghen tuông, mâu thuẫn thế hệ… Gia đình ly tán kéo theo hậu quả là những đứa trẻ bị tổn thương về tinh thần và thể xác. Việc làm thế nào để giữ ngọn lửa ấm gia đình, chống bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình đang là vấn đề đáng quan tâm trong xã hội hiện đại.
Xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Vàng Thung Chúng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 284 vụ bạo lực gia đình, gồm cả bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục và kinh tế. Điều đáng chú ý là việc xử lý, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình tại nhiều địa phương chưa kịp thời và chưa phát huy được hiệu quả, kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của người dân vùng cao còn nhiều hạn chế.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngành văn hóa tỉnh phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng nhân dân, các khu dân cư, tổ liên gia, tổ dân phố tổ chức “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vào ngày 28/6. Ngoài ra, ngành văn hóa còn dành kinh phí 330 triệu đồng để in tài liệu Giáo dục đời sống gia đình cho người dân sống tại các khu dân cư trong tỉnh. Trong tháng 5 vừa qua, tại Lễ phát động Tháng truyền thông phòng, chống BLGĐ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, Lào Cai đã ký cam kết “Từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trên địa bàn quản lý” với mục tiêu năm 2018 toàn tỉnh có trên 70% đơn vị cấp xã xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình Phòng chống BLGĐ; 100% cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, xử lý, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Đặc biệt, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Gia đình đối với sự phát triển tỉnh Lào Cai - thực trạng và giải pháp” nhằm xây dựng gia đình Lào Cai ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.