Nước biển dâng - một hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra từ hiện tượng nóng lên toàn cầu. (Ảnh: Khánh Linh) |
Năm 2015 là năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê nhiệt độ. Xu hướng này lại tái diễn khi 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục ghi nhận nền nhiệt nóng nhất trong lịch sử. Kỷ lục về nhiệt độ của trái đất càng củng cố và tăng cường hơn bao giờ hết tầm quan trọng và tính cấp thiết phải hành động để hạn chế sự nóng lên toàn cầu cùng những hậu quả khôn lường có thể xảy ra, đe dọa cuộc sống của toàn nhân loại.
Trong bối cảnh đó, việc Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được chính thức có hiệu lực được xem là thời điểm lịch sử, như Thư ký điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) Patricia Espinosa phát biểu: "Đây là lúc ăn mừng. Đây cũng là lúc cần nhìn về phía trước với những đánh giá đúng mực và xem xét lại ý chí thực hiện nhiệm vụ phía trước".
Thỏa thuận có tham vọng mạnh mẽ nhất
Ngày 5/10, Thỏa thuận Paris đã đạt được ngưỡng quy định cần thiết để có thể bắt đầu chính thức có hiệu lực sau 30 ngày, sau khi Liên minh châu Âu (đóng góp 10% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của thế giới) và 7 nước thành viên xác nhận họ đã phê chuẩn thỏa thuận. Đây được đánh giá là bước ngoặt lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và được các nhà chức trách quốc gia cùng nhiều chuyên gia môi trường trên thế giới gọi là “cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh" của chúng ta.
Thỏa thuận Paris có hiệu lực trong năm 2016 được đánh giá là một sự kiện "phi thường". Sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế là minh chứng cho tính cấp thiết của vấn đề cũng như phản ánh sự đồng thuận của các chính phủ rằng hợp tác toàn cầu là cần thiết để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu.
Nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, Thỏa thuận Paris đã đề ra một mục tiêu rất tham vọng là giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, như yêu cầu của các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu này, Thỏa thuận cũng nêu rõ: Thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức nhiều nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của trái đất cùng với công nghệ “thu gom khí thải".
Thỏa thuận cũng quy định, đến năm 2018, các nước phải có đánh giá về tác động toàn diện trong việc ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu và công bố những kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí carbon khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực. Sau thời gian này, cứ 5 năm, tính từ năm 2023, các quốc gia sẽ rà soát lại những mục tiêu đã đề ra.
Một điểm đáng chú ý nữa là Thỏa thuận cũng quy định các nước phát triển có nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý, phải cung cấp những nguồn tài chính cho các nước đang phát triển dành riêng cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Theo đó, trước năm 2025, các nước thành viên nên đạt được một thỏa thuận chung cung cấp ít nhất 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
COP22 – khởi đầu đầy hứa hẹn
Thỏa thuận khí hậu Paris có hiệu lực sẽ tạo ra xung lực mạnh mẽ, thúc đẩy các quốc gia thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cùng thực hiện cam kết từng được nêu ra vào năm 2015. Tuy nhiên, không thể quên rằng vẫn còn cả quãng đường dài phía trước và các quốc gia thành viên cần góp phần vào việc triển khai văn bản quan trọng này, trong đó khởi đầu là tại cuộc gặp gỡ quốc tế sắp diễn ra vào tuần tới.
Trong các ngày từ 7 – 18/11, đại diện của gần 200 quốc gia sẽ nhóm họp tại Marrakesh (Morocco) tham dự Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) để trao đổi những vấn đề cơ bản của Thỏa thuận Paris, chính sách, công nghệ và tài chính cần thiết để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận.
Trước thềm Hội nghị, bà Ségolène Royal, Bộ trưởng Môi trường và năng lượng của Pháp – quốc gia chủ trì COP21, đã hoan nghênh các quốc gia ký Thỏa thuận Paris. Ngưỡng 55 quốc gia chiếm 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn để văn bản có hiệu lực đã được vượt qua sớm hơn so với thời gian các chuyên gia dự kiến. Bà Ségolène Royal lưu ý: “Chúng ta đã làm trong 9 tháng những gì đã mất 8 năm đối với Nghị định thư Kyoto”. Điều này cho thấy nhận thức ngày càng cao hơn đối với các chính sách về tính cấp thiết phải hành động để giữ lại những cơ hội nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu không vượt quá mức 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Song, trong số những quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính, Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về ngày phê chuẩn. Trong khi tại Australia và Nhật Bản, các tiến trình đã được cam kết. Tại châu Âu, Ba Lan, Bỉ, Italy và Tây Ban Nha cũng cần phê chuẩn ở mức độ quốc gia.
Theo ông Alden Meyer, chuyên gia thuộc tổ chức Union of Concerned Scientists của Mỹ, điều quan trọng là phải giữ được đà và sự năng động từ hội nghị COP21 lần trước ở Paris chứ không chỉ ăn mừng việc Thỏa thuận có hiệu lực. “Bởi vì các nhà đàm phán vẫn còn nhiều việc phải làm. Thỏa thuận vừa được nhất trí thông qua chứa nhiều quy định chưa rõ ràng” – ông lưu ý.
Các chuyên gia nhận định, Hội nghị COP22 cần làm rõ một số chủ đề như: Định nghĩa các quy tắc minh bạch giữa các quốc gia, sự gia tăng viện trợ tài chính cho các nước đang phát triển, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chính sách phát triển "sạch" (năng lượng tái tạo, vận chuyển, môi trường sống ít năng lượng, nông nghiệp mới, vv), công bố các chiến lược quốc gia vào năm 2050.
“Thách thức quan trọng nhất ở Marrakech, đó là thống nhất về thời hạn quyết định các quy tắc thực hiện Thỏa thuận, đặc biệt là các quy tắc về sự minh bạch" – nhà đàm phán Pháp Laurence Tubiana cho biết. "Năm 2017 là không thực tế, nhưng vào năm 2018 thì có thể". Các quy tắc minh bạch liên quan đến thông tin mà các quốc gia cần cung cấp về nỗ lực nhằm hạn chế khí thải và về gia tăng ngân sách công.
Ngoài ra, theo bà Laurence Tubiana, bên cạnh việc nâng cao tính minh bạch, Thỏa thuận cũng cần làm rõ việc tăng cường các kế hoạch hành động ở mỗi quốc gia tới năm 2025 hay năm 2030. “Mỗi nước đều phải tăng cường hành động, nhưng chúng ta không thể đợi đến năm 2025 hay 2030 để làm điều đó” – nhà đàm phán của Pháp cảnh báo.
Đặc biệt, viện trợ cho các nước đang phát triển cũng vẫn là một chủ đề nhạy cảm. Trong khi, các nước thành viên cam kết cung cấp ít nhất 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển vào năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu thì số liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra chỉ cho thấy mới có 67 tỷ USD được nhiều bên liên quan khác nhau (chính phủ, các ngân hàng đa phương,...) công bố.
Như vậy, với đà tiếp nối thuận lợi song cũng đi kèm với không ít trọng trách nặng nề, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) được kỳ vọng sẽ chú trọng vào các hành động cụ thể được triển khai trong những năm tới, đặc biệt là các hành động liên quan đến thích ứng, tính minh bạch, chuyển giao công nghệ, giảm thiểu và nâng cao năng lực. Đây sẽ là cơ hội để cộng đồng quốc tế thiết lập những cơ chế để mở rộng phạm vi các sáng kiến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng tiếp cận với những nguồn lực kỹ thuật và tài chính, thực hiện các hành động cần thiết để bảo đảm thành công của kế hoạch hành động khí hậu của các quốc gia.
Ngày 3/11, Thông báo Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và chính thức gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Để triển khai thực hiện Thỏa thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng Kế hoạch đến năm 2030 nhằm thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD từ nguồn lực Nhà nước, hỗ trợ quốc tế và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc Chính phủ Việt Nam phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch thực hiện đã thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã xây dựng và hiện đang triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh. |