Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy đã phát triển nhiều sáng kiến giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi, qua đó xây dựng chiến lược lâu dài, bền vững cho nông sản trong nước.

Nông nghiệp xanh tại Bắc Âu: Tầm nhìn bền vững và công nghệ cao

Tại Bắc Âu, nông nghiệp không chỉ là lĩnh vực sản xuất mà còn là cam kết của các quốc gia với cộng đồng và môi trường. Từ lâu, các quốc gia này đã triển khai các chiến lược giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động nông nghiệp, thúc đẩy sự bền vững và bảo vệ hệ sinh thái.

Công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi vào giám sát và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Cảm biến, trí tuệ nhân tạo, và blockchain đều có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lãng phí, tối ưu hóa tài nguyên, đồng thời nâng cao tính minh bạch cho chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Đáng chú ý, sản xuất hữu cơ được Bắc Âu ưu tiên phát triển nhờ các chính sách hỗ trợ và quy định nghiêm ngặt về hạn chế hóa chất và thuốc trừ sâu. Mô hình sản xuất thân thiện với môi trường không chỉ bảo vệ đất, nguồn nước mà còn tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển tự nhiên và bền vững.

Các chính phủ Bắc Âu tích cực khuyến khích sản xuất hữu cơ qua các chiến dịch quốc gia, như "Kế hoạch hành động hữu cơ quốc gia" của Đan Mạch, hướng đến mục tiêu tăng diện tích canh tác hữu cơ lên 25% vào năm 2030.

Tại đây, mô hình nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu thế với 10% diện tích đất nông nghiệp dành riêng cho canh tác hữu cơ, tạo ra một thị trường cạnh tranh và lành mạnh cho sản phẩm sạch.

 

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt ảnh 2

Mô hình nhà lưới trồng rau sạch cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Với nền nông nghiệp đa dạng và tiềm năng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ các quốc gia Bắc Âu để xây dựng nền nông nghiệp xanh. Việc ứng dụng công nghệ cao vào giám sát và tối ưu hóa sản xuất cần được ưu tiên trong tương lai. Thí dụ, sử dụng cảm biến đo độ ẩm, dinh dưỡng đất và blockchain để minh bạch quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ thị trường quốc tế.

Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, giảm dần sử dụng hóa chất, nhằm đảm bảo nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn xanh đang được ưa chuộng trên toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho biết: Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu mà Việt Nam cần đi theo để cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là tại các thị trường khó tính như Bắc Âu. Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp không chỉ giúp tối ưu hóa sản xuất mà còn giảm thiểu chi phí và tăng năng suất.

Phát triển chuỗi cung ứng bền vững là yếu tố quan trọng trong chiến lược của Bắc Âu, từ việc tối ưu hóa quy trình phân phối cho đến sử dụng các phương thức vận chuyển phát thải thấp. Nhờ đó, các quốc gia này giảm thiểu lượng khí thải CO2 phát sinh, giúp sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng với dấu ấn bền vững.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các sáng kiến nổi bật như chương trình "Dấu chân sinh thái Thụy Điển" giúp giảm thiểu tác động của ngành nông nghiệp lên môi trường thông qua công nghệ thông minh.

Việt Nam có thể ứng dụng các sáng kiến này để xây dựng chuỗi cung ứng xanh, từ khâu vận chuyển đến đóng gói sản phẩm nhằm giảm thiểu khí thải. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng sử dụng bao bì tái chế và vận hành chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường.

Điều này không chỉ là bước đi phù hợp xu thế quốc tế mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu khi người tiêu dùng ngày càng coi trọng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đầu tư vào công nghệ xanh - chìa khóa để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt ảnh 3

Đầu tư vào công nghệ xanh được xem là chìa khóa để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Trước sự dịch chuyển mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu, việc đầu tư vào công nghệ xanh là chiến lược dài hạn không thể thiếu. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ứng dụng công nghệ xanh sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường khó tính như Bắc Âu, nơi người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có nguồn gốc bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường quốc tế, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ xanh nhằm giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao giá trị thương hiệu.

Hơn nữa, cam kết tuân thủ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn xanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí trong dài hạn. Các sáng kiến như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của châu Âu dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2026, yêu cầu các doanh nghiệp ngoài EU phải thanh toán phí dựa trên lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất. Để giảm chi phí, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào các giải pháp công nghệ nhằm giảm phát thải.

Bằng cách áp dụng công nghệ xanh và các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, doanh nghiệp Việt Nam có thể bảo đảm rằng họ không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và đối tác kinh doanh tiềm năng.

Việc áp dụng công nghệ xanh có thể trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả giúp tạo dựng sự khác biệt so với đối thủ và thu hút khách hàng quốc tế. Trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt như dệt may, da giày và nông sản, thực phẩm, việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc tối ưu hóa quy trình sản xuất theo hướng bền vững sẽ giúp doanh nghiệp Việt gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng toàn cầu.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tích hợp công nghệ mới và các thực hành bền vững để tạo ra các sản phẩm sáng tạo và đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ xanh có thể mở ra những nguồn thu nhập mới, chẳng hạn như bán tín chỉ carbon hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp khác trong quá trình chuyển đổi sang kinh doanh xanh.

https://nhandan.vn/xu-huong-xanh-hoa-nong-nghiep-o-bac-au-va-bai-hoc-cho-nong-san-viet-post842687.html

Trung Hưng (Theo Báo Nhân dân)

Tin Liên Quan

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Việt Nam và Canada tăng cường kết nối trong thương mại, đầu tư

Việt Nam tham gia Triển lãm xúc tiến đầu tư quốc tế MIBIExpo với mong muốn thúc đẩy kết nối, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái trong hệ thống các hiệp định thương mại tự do sẵn có giữa hai nước.

Việt Nam giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đến cuối tháng 10/2024, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi xuất khẩu vào thị trường Philippines, chiếm gần 80% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Khoảng trống trong hệ thống giáo dục toàn cầu

Tình trạng thiếu giáo viên đang kéo theo những tác động tiêu cực đối với hệ thống giáo dục toàn cầu. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu khoảng trống này không sớm được lấp đầy, thế giới khó có thể đạt mục tiêu xây dựng nền giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng cho tất cả mọi người.

Nhiều nước châu Á đối phó mưa, bão lớn

Sáng 2/11, tất cả chuyến tàu cao tốc Shinkansen nối giữa Hakata, tây nam Nhật Bản, và thủ đô Tokyo đã tạm dừng do mưa lớn. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo, mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống khu vực trong nửa đầu kỳ nghỉ cuối tuần.

Dấu ấn Việt Nam trên nước bạn Lào nhìn từ Dự án trồng rừng tái tạo và phát triển tín chỉ carbon ở Mahaxay

Dự án "Trồng rừng tái tạo và phát triển tín chỉ carbon tại Mahaxay" nhằm giải quyết tình trạng suy thoái rừng và biến đổi khí hậu tác động đến cộng đồng nông nghiệp tại Mahaxay, Lào.