Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh phía Bắc năm 2016
Ngày 4/11, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị "Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh phía Bắc năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017".Toàn cảnh hội nghị |
Tham dự điều hành hội nghị có các đồng chí: Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp kiêm Cục trưởng Cục kiểm lâm, Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cùng đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp của các tỉnh phía Bắc.
Khu vực phía Bắc gồm 19 tỉnh, có 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và 5 tỉnh đồng bằng sông Hồng với diện tích tự nhiên là 10,3 triệu ha. Toàn vùng có 6,219 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, diện tích có rừng là 5,23 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 50,9%.
Đ/c: Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp kiêm Cục trưởng Cục kiểm lâm chủ trì hội nghị |
Theo Báo cáo tại hội nghị, trong 10 tháng năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các tỉnh khu vực phía Bắc đã quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển rừng đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra: trồng 97.314 ha rừng tập trung, đạt 106,7% kế hoạch năm; chăm sóc 223.329 ha rừng trồng, đạt 137,8% kế hoạch năm; khoán bảo vệ trên 2.100 ha rừng; trồng thay thế được 11/15 nghìn ha rừng bị xâm chiếm do chuyển đổi làm thủy điện, công trình công cộng và kinh doanh, đạt 75%; các tỉnh đã công nhận 11 cây giống lâm nghiệp mới, chọn được hơn 400 cây trội của các loài cây bản địa như: huỳnh, sơn tra, vối thuốc, sa mộc, vẹt dù, đước vòi, bần chua… để đưa vào trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ ở các địa phương; đã phát hiện hơn 4.600 vụ vi phạm các quy định bảo vệ rừng, xử lý gần 4.000 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 32 tỷ đồng.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, 19 tỉnh khu vực phía Bắc đã xây dựng đề án, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện. Đến nay đã chuyển hoá 1.555 ha rừng trồng sang mục đích kinh doanh gỗ lớn, đã trồng 88.180 ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình bảo vệ và phát triển rừng, khuyến lâm, nông lâm kết hợp được xây dựng có hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất lâm nghiệp theo hướng chuyên canh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng và phụ thuộc vào rừng, tạo động lực bảo vệ và phát triển rừng.
Công tác bảo vệ rừng đã bám sát thực tế, cập nhật thường xuyên, kịp thời diễn biến tình hình công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong cả nước và khu vực phía Bắc. Công tác trồng rừng thay thế, sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp, triển khai chính sách dịch vụ môi trường rừng đều được các địa phương tích cực quan tâm.
Đ/c: Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội nghị |
Đối với tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, tỉnh đã thường đã xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích, chất lượng và tỷ lệ che phủ rừng tăng hàng năm. Khi tái lập tỉnh Lào Cai năm 1991, tỷ lệ che phủ rừng chỉ có 18,1%, năm 2010 đạt 50,1%, năm 2015 đạt 53,3% và phấn đấu đạt 56% vào năm 2020. Quan tâm đến việc thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, bảo vệ tốt diện tích 339.225 ha rừng hiện có; chú trọng đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, các sản phẩm gỗ qua chế biến; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trung bình đạt đạt 1.325,7 tỷ đồng/năm.
Đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh phía Bắc năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 |
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, vật lực cũng như khó khăn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và một số giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng.