Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Việc chú trọng thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo trật tự xã hội, đẩy lùi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Lào Cai là tỉnh biên giới, có trên 182km đường biên, vì vậy tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được tỉnh quan tâm, với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó việc phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của 25 nhóm, ngành dân tộc trong tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được đặc biệt quan tâm. Theo đó, các mô hình tự quản, tổ liên gia, dòng họ tự quản… đang góp phần tích cực xây dựng những bản làng bình yên, hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xã Tả Thàng, huyện Mường Khương có 548 hộ gia đình, sinh sống ở 8 thôn, bản. Do địa hình rộng, dân cư sống phân tán, nhiều thôn cách xa trung tâm, nên công tác phối hợp, quản lý địa bàn được chú trọng. Với phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương, Tả Thàng đã thành lập 3 mô hình an ninh tự quản, 1 dòng họ tự quản.
Mô hình an ninh tự quản, dòng họ tự quản có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức cảnh giác, thông báo đến lực lượng an ninh thôn khi thấy có dấu hiệu vi phạm trong cộng đồng; đồng thời, triển khai các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ma túy, mê tín dị đoan, buôn bán người và các tệ nạn xã hội. Mô hình cũng tuyên truyền để mỗi người dân là một chiến sỹ trong mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời thông tin khi có sự cố xảy ra để tránh hình thành điểm nóng, phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, các Tổ an ninh, dòng họ tự quản địa phương đã cung cấp hàng chục nguồn tin liên quan tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nội bộ…giúp Công an xã kịp thời nắm bắt, xử lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
Chương trình “Ngày thứ Bảy gần dân” của Công an huyện Bảo Thắng. Công an huyện Bảo Thắng phối hợp với Công an xã Xuân Quang đã tổ chức gặt lúa cùng bà con Nhân dân thôn Làng Lân xã Xuân Quang.
Còn tại xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc” đang được triển khai sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân. Được thành lập từ năm 2014, Mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc” ở xã Thái Niên với những cách làm phù hợp đã huy động sự vào cuộc tích cực của người dân. Hiện mô hình đã được nhân rộng tại 10/16 thôn. An ninh trật tự trên địa bàn xã được đảm bảo, người dân yên tâm phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú.
Cũng như nhiều hộ khác ở thôn Khe Đền 2, xã Thái Niên gia đình bà Ma Thị Gánh được các thành viên mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc” và Công an xã tuyên truyền về giữ gìn an ninh trật tự, trong đó có việc không tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế, vật liệu nổ, phòng, chống cháy, nổ. Bà Ma Thị Gánh, thôn Khe Đền 2, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Chúng tôi được Công an xã và Công an viên thôn tuyên truyền cần phòng chống cháy nổ, vì vậy gia đình tôi đăng ký mua bình chữa cháy để bảo vệ cho gia đình”.
Thôn Khe Đền 2 có 82 hộ dân, trong đó có 90% số hộ theo đạo Tin lành, vì vậy, để chủ động quản lý, bám nắm địa bàn, cùng với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, thôn chú trọng phát huy vai trò của 2 dòng họ tự quản. Các hộ cam kết không vi phạm pháp luật, không tảo hôn, thực hiện nghiêm quy ước, hương ước trong dòng họ…
Được thành lập cách đây 10 năm, dòng họ Lương tự quản ở Bản Giàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà không chỉ được đánh giá cao là dòng họ tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương, đây còn được chọn là mô hình điểm trong đảm bảo an ninh trật tự tại xã Cốc Lầu. Có được những kết quả đó, 20 hộ gia đình dòng họ luôn chấp hành tốt các quy ước, hương ước, quy định của địa phương về an ninh trật tự, nỗ lực khuyến khích con cháu học tập, trong đó có nhiều cháu đã học xong chuyên nghiệp, trở về phục vụ chính quê hương mình. Từ khi thành lập đến nay, trong dòng họ có gần 10 vụ việc, thì không có vụ việc nào phải đưa lên cấp trên giải quyết.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong thời gian qua trên 100 mô hình an ninh tự quản, dòng họ tự quản về an ninh trật tự đã và đang phát huy hiệu quả và nhân rộng tại huyện vùng cao Si Ma Cai.
Phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo trật tự an toàn xã hội
Công tác dân tộc luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24–NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuyên truyền đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số về đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.
Lào Cai đang đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) với 10 dự án, chính sách của Chương trình bao phủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác động thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Lào Cai luôn được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước chủ động triển khai, sớm ban hành điều chỉnh các cơ chế, chính sách văn bản quy định quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh theo quy định của trung ương, như: Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn; sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp huyện, cấp xã; điều chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án thuộc chương trình nhằm giảm áp lực cho người dân trong tham gia đóng góp thực hiện chương trình; cập nhật, ban hành điều chỉnh kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 30/5/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về lựa chọn huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024- 2025 tỉnh Lào Cai, trong đó tỉnh Lào Cai lựa chọn huyện Bắc Hà và huyện Mường Khương để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025; Quyết định 1787/QĐ-UBND ngày 16/7/2024 của UBND tỉnh Lào Cai về giao mục tiêu, nhiệm vụ đối với huyện Bắc Hà và Mường Khương thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025. Việc chủ động kịp thời rà soát các quy định, hướng dẫn của trung ương để điều chỉnh và ban hành mới các cơ chế, chính sách ở địa phương tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để tham gia phong trào thi đua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Công tác huy động, lồng ghép các nguồn vốn bảo đảm yêu cầu để thực hiện chương trình. Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình năm 2024 là 1.884.652 triệu đồng. Trong đó vốn trung ương là 1.125.419 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh dự kiến: 252.900 triệu đồng; vốn ngân sách huyện 37.381 triệu đồng; vốn tín dụng: 12.500 triệu đồng; vốn huy động cộng đồng dự kiến: 85.500 triệu đồng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phân bổ 1.117.472/1.125.419 triệu đồng đạt 99,3% kế hoạch. Công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2024 đến hết tháng 9/2024 bằng 22% kế hoạch trung ương giao, trong đó vốn đầu tư giải ngân 41,5% vốn trung ương giao. Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ước đạt 5%; Số xã thoát diện đặc biệt khó khăn: 01 xã (xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa). Tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhận diện, đấu tranh phản bác đối với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Việc nâng cao hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền thực hiện thường xuyên.
Công tác thông tin, tuyên truyền được nâng cao chất lượng. Các thông tin được trình bày bằng ngôn ngữ, chữ viết đồng bào trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Lào Cai về tiếng dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp quần chúng nhận diện rõ phương thức, âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để lôi người dân tham gia hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương nơi sinh sống./.