Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi

Sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của đất nước.

Thay mặt cử tri và Nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, đồng chí Sùng A Lềnh gửi lời trân trọng cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ ngành, đoàn thể Trung ương, các lực lượng vũ trang, các địa phương trong cả nước, các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn, báo chí đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3 (Yagi). Tình cảm đó tiếp sức cho Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc sớm vượt qua khó khăn, từng bước khắc phục thiệt hại, tiếp tục vươn lên để nhanh chóng ổn định đời sống.

Đồng chí bày tỏ tán thành đối với báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng thời phát biểu một số ý kiến:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc có nói: “Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc. Phải ra sức làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng (tháng 1/1959) đã đề ra nhiệm vụ “Đảng và Nhà nước ta cần phải có kế hoạch toàn diện và lâu dài phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi tiến kịp miền xuôi, giúp các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và khả năng to lớn của mình”.

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng miền núi, như Nghị quyết số 22 ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Chương trình 135/1998; Chương trình 134/2004; Nghị quyết 30a/2008-CP và gần đây là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Hạ tầng kỹ thuật về kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo của vùng miền núi có nhiều đổi thay, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, Nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường và giữ vững ổn định biên giới, lãnh thổ quốc gia, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới, như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, hiện nay, các tỉnh miền núi nói chung vẫn là những tỉnh nghèo của cả nước. Qua khảo sát cho thấy năm 2023 thu nhập bình quân đầu người/tháng của cả nước đạt 4,96 triệu đồng, trong khi đó các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên từ 3,4 - 3,56 triệu đồng, bằng 67 - 71% bình quân cả nước; các tỉnh đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ từ 5,99 - 6,52 triệu đồng, bằng 121 - 132% thu nhập bình quân của cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước năm 2023 là 5,7%, trong khi đó các tỉnh miền núi phía Bắc là 18,2%; các tỉnh Tây Nguyên là 12,46%; các tỉnh đồng bằng sông Hồng là 1,87%; các tỉnh Đông Nam Bộ là 0,23%.

Điều đó cho thấy thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh miền núi nói chung còn khoảng cách rất xa so với các tỉnh vùng đồng bằng và bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, đầu tháng 9 vừa qua, chịu sự tác động, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), các tỉnh miền núi phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề, đời sống người dân và doanh nghiệp lại càng khó khăn…

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chiến lược “miền núi tiến kịp miền xuôi” của Đảng và Nhà nước ta, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có cơ chế, chính sách và giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi. Đồng thời, đề nghị đưa vào các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đất nước ta không còn hộ nghèo” để chào mừng 100 năm thành lập Đảng, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...

https://baolaocai.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-lao-cai-de-nghi-trung-uong-tiep-tuc-uu-tien-dau-tu-cho-cac-tinh-mien-nui-post392889.html

Theo Đức Lân - Lê Huy/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.

Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.