Lào Cai tăng cường bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn
Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn là một trong 4 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới được tỉnh Lào Cai quan tâm triển khai thực hiện.Ảnh: LCĐT
Để triển khai hiệu quả chương trình, trong năm 2023, Lào Cai đã triển khai xây dựng 14 mô hình thí điểm. Đến nay, 13/14 mô hình đã phê duyệt dự án và kế hoạch, gồm: 03 mô hình cải tạo cảnh quan gắn với du lịch nông thôn; 05 mô hình bảo vệ môi trường, phân loại chất thải sinh hoạt; 05 mô hình về cấp nước sạch, trữ nước ngọt tại các vùng khó khăn về nguồn nước; đang nghiên cứu triển khai 01 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện một số mục tiêu của chương trình, đó là: Tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch khoảng 43%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 76%; tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt 80%; Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 95%.
Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm với việc phê duyệt Dự án “Mô hình điểm về bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn năm 2023" tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên. Dự án được triển khai hướng tới mục tiêu tối thiểu 15% hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được tiếp cận bền vững với nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí số 17 “Môi trường” và tiêu chí số 18 “Chất lượng môi trường sống” theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025. Mô hình bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn tại Nghĩa Đô, Bảo Yên là mô hình điểm nhằm giúp người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Việc triển khai mô hình cũng góp phần nâng cao hơn nhận thức, kiến thức bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn cho cán bộ, Nhân dân, giúp họ biết bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình, cùng nhau bảo vệ cảnh quan, giữ gìn không gian truyền thống.
Để đảm bảo người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí hợp lý, tỉnh đã ban hành về quy định giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh; triển khai nâng cấp, bảo dưỡng, duy tu các công trình nước sạch nông thôn; thực hiện rà soát các mô hình cấp nước, trữ nước tại các vùng đặc thù, khan hiếm và khó khăn về nguồn nước, kịp thời đánh giá, lựa chọn mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương để triển khai nhân rộng, nhằm thực hiện hiệu quả, bảo đảm người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước đạt quy chuẩn quốc gia, an toàn sức khỏe, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước. Trong năm, tỉnh đã được Chính phủ bổ sung 234 tỷ đồng xây dựng 5 cụm công trình cấp nước sạch cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Si Ma Cai.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân vùng nông thôn được quan tâm, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong năm, đã tổ chức 29 lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sinh hoạt nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm với hơn 1500 người tham gia là đại diện các hợp tác xã, nông dân tiêu biểu, trưởng thôn bản, chi hội trưởng hội nông dân, chi hội trưởng phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên, thành viên ban phát triển nông thôn của 33 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành nông thôn mới giai đoạn 2023-2025. Tập huấn mô hình xử lý, trữ nước nhỏ lẻ tại hộ gia đình khu vực nông thôn với 230 người tham gia. Tổ chức trên 600 buổi tuyên truyền về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường nông thôn gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, tuyên truyền thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” với sự tham gia của gần 14600 lượt người.
Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, quan tâm mở rộng, hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch, đưa nước sạch về đến vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.