Lào Cai quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp
Lào Cai là tỉnh có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn về tiêu thụ hàng hoá nông sản làm cho giá nông sản không ổn định, có xu hướng giảm và ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ và giá cả không ổn định. Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản của địa phương, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm việc phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, từ đó có chiến lược phát triển quảng bá các đặc sản tiềm năng của tỉnh.
Thịt trâu sấy- sản phẩm nông nghiệp của tỉnh
Gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp
Hiện tại, Lào Cai có có 401 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Trong 401 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được cấp văn bằng, Lào Cai có gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, có 40 sản phẩm nông nghiệp mang địa danh được Bộ KH&CN, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ xây dựng và đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mận Bắc Hà, rau Bắc Hà, Quýt Mường Khương, chè Ô long Cao Sơn, bưởi Múc Bảo Thắng, cá nước lạnh Sa Pa, vịt bầu Nghĩa Đô, thịt trâu sấy Bảo Yên, cá nước lạnh Bát Xát, vịt cổ nhung xanh Văn Bàn, chỉ dẫn địa lý Thẩm Dương cho sản phẩm gạo nếp huyện Văn Bàn, chỉ dẫn địa lý Mường Khương - Bát Xát cho sản phẩm gạo Séng Cù của tỉnh Lào Cai,… Hiện tại, tỉnh đang hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý cho 17 sản phẩm như: Hồng không hạt Bảo Hà, rau an toàn Bảo Thắng, lợn đen Văn Bàn, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam.
Đến nay, các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh được bảo hộ đang duy trì, bước đầu phát triển, được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Nhãn hiệu được in lên bao bì, tem, nhãn dán lên sản phẩm, in trên phương tiện quảng bá để tuyên truyền sản phẩm tới người tiêu dùng. Một số thương hiệu nông sản của Lào Cai đã được thị trường biết đến như: Gạo séng cù, tương ớt Mường Khương, Mận Tam Hoa Bắc Hà, Rau ôn đới, cá nước lạnh Sa Pa, su su Sa Pa, quýt Mường Khương, …
Củ Hoàng Sin Cô được Công ty TNHH Long Hải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để chế biến thành nước giải khát
Các sản phẩm được bảo hộ như dứa Mường Khương, Hoàng Sin Cô Bát Xát đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng; uy tín, chất lượng sản phẩm nâng lên và đã được các nhà máy, công ty lớn như công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Ninh Bình và Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu thu mua dứa Mường Khương đưa vào nhà máy chế biến thành nước ép dứa, thạch dứa. Củ Hoàng Sin Cô được Công ty TNHH Long Hải đứng ra liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn để chế biến thành nước giải khát. Chè Ô long Cao Sơn có thương hiệu được cấp cho Công ty TNHH một thành viên Mường Hoa sử dụng nhãn hiệu đã thu mua chè cho bà con, thực hiện chế biến gắn nhãn hiệu đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hướng dẫn bà con áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất chè Ô long đảm bảo nguyên liệu sản phẩm để duy trì phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Ô long Cao Sơn” được bảo hộ...Hiện các nhãn hiệu sản phẩm được hỗ trợ bảo hộ vẫn đang tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả, nâng cao giá bán mang lại giá trị kinh tế cao.
Sáu nhóm giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai
Nhằm thúc đẩy mở rộng vùng nguyên liệu, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, chuỗi cung ứng, thiết lập xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản của Lào Cai, giai đoạn 2025-2023, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đó là: Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa các sản phẩm chủ lực, tiềm năng đủ lớn phục vụ phát triển thương hiệu sản phẩm; Xây dựng và phát triển thương hiệu; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về thương hiệu sản phẩm; Hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm và chuẩn hóa quy trình chế biến, bảo quản để phục vụ công tác xây dựng thương hiệu nông sản; Nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản và xúc tiến thương mại; Quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm.
Trọng tâm là phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây chè, cây chuối, cây dứa, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu. Tập trung bảo tồn các loại cây dược liệu bản địa để phát triển thành các sản phẩm OCOP địa phương gắn với phát triển du lịch. Tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm chè (Chè hữu cơ, chè cổ thụ, chè olong… tại Bắc Hà; Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên, Sa Pa, thành phố Lào Cai); sản phẩm chuối tập trung tại huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, các sản phẩm chế biến từ chuối (chuối sấy dẻo, tinh bột chuối, sợi chuối,...); Sản phẩm dược liệu ( Atiso, cát cánh, xuyên khung, chùa dù, cây thuốc tắm người dao, gừng dại (gừng tía), tía tô,...); Sản phẩm Quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm Quốc gia. Đồng thời phát triển các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP để xây dựng phát triển thương hiệu như: Cá nước lạnh; Cây ăn quả ôn đới (lê VH6, mận Tam Hoa, mận Tả Van); quýt Mường Khương; Hồng không hạt Bảo Yên.
Tỉnh Lào Cai cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh tới người tiêu dùng; nhân rộng các mô hình kinh doanh phân phối sản phẩm có thương hiệu trên địa bàn tỉnh và trên thị trường trong nước.
MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2025- 2030 - Giá trị các sản phẩm nông sản sau khi được xây dựng và phát triển thương hiệu tăng khoảng 10 -15% so với trước khi có thương hiệu sản phẩm. - Phát triển thương hiệu cho tối thiểu 20 sản phẩm nông sản đã được cấp văn bằng bảo hộ ở trong nước. - Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho ít nhất 15 sản phẩm, 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ phát triển thương hiệu nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói.
|