Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt tối thiểu 97,3%
Chiều 23/10, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá tiến độ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, 2025 và duy trì đơn vị cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Tham gia cuộc họp có lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đến thời điểm này, huyện Bảo Thắng đang duy trì mức độ đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Lào Cai duy trì mức độ hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Tuy nhiên, huyện Bảo Thắng cần phấn đấu 3 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; thành phố Lào Cai cần phấn đấu có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đối với 62 xã đã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” trước năm 2022, có 4 xã duy trì mức độ đạt chuẩn nông thôn mới ở 19/19 tiêu chí, 40 xã duy trì mức độ đạt chuẩn từ 14 - 18 tiêu chí, 16 xã duy trì mức độ đạt chuẩn từ 10 - 13 tiêu chí, 2 xã duy trì mức độ đạt chuẩn đạt dưới 10 tiêu chí; 5 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, bình quân mỗi xã duy trì 14 tiêu chí.
Về tiến độ, khả năng thực hiện huyện, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024, 2025: Bảo Yên khó đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2025; Bảo Thắng có khả năng đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Đối với 11 xã đăng ký hoàn thành xã nông thôn mới năm 2024, ngoài Mường Hoa (thị xã Sa Pa) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì 7 xã: Tả Van (thị xã Sa Pa), Vĩnh Yên, Cam Cọn, Kim Sơn, Bảo Hà (huyện Bảo Yên), Chiềng Ken, Nậm Dạng (huyện Văn Bàn) có khả năng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024; 3 xã, gồm Điện Quan (huyện Bảo Yên), Sán Chải (huyện Si Ma Cai) và Bản Liền (huyện Bắc Hà) khó đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Với 7 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới nâng cao năm 2024, gồm Võ Lao, Khánh Yên Thượng (Văn Bàn), Đồng Tuyển, Hợp Thành (thành phố Lào Cai), Nghĩa Đô (Bảo Yên), Phú Nhuận (Bảo Thắng) và Quang Kim (Bát Xát), chỉ có xã Quang Kim khó đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 60,4/148,8 tỷ đồng (tương đương 40,6%). Ước đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 144,5/148,8 tỷ đồng (tương đương 97,3%).
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đạt chuẩn đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024, 2025.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các tiêu chí để đảm bảo duy trì các xã nông thôn mới đã được công nhận trước năm 2022. Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm 2024, 2025. Tập trung thực hiện công tác giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt tối thiểu 97,3% trở lên. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, sâu sát hơn; đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tinh thần đoàn kết, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể để triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.
Các sở, ngành, tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức thẩm tra, chấm điểm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng các quy định một cách linh hoạt, sáng tạo, để có phương pháp đánh giá phù hợp với điều kiện của các địa phương…
Đức Phương
https://baolaocai.vn/phan-dau-ty-le-giai-ngan-von-chuong-trinh-mtqg-xay-dung-nong-thon-moi-dat-toi-thieu-973-post392311.html