Lào Cai: Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng nhanh
Tính đến thời điểm này, Lào Cai là 1/11 tỉnh, thành trong cả nước hoàn thành các mục tiêu trong Đề án của Chính phủ về Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025.Xã Gia Phú (Bảo Thắng) ra mắt Mô hình thôn thông minh và Mô hình chợ 4.0
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện, hệ thống ngân hàng trong tỉnh đã mở trên 450 nghìn tài khoản thanh toán cho người dân; 100% bệnh viện đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 376/612 cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 61%; chi trả chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân đạt 70,6%; thanh toán tiền điện đạt 96,17%; thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản 2.057/2.975 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng có tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thương mại, đạt 69,14%. Cổng DVC của tỉnh đã kết nối và cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến thông qua Cổng thanh toán tích hợp trên Cổng DVC quốc gia, năm 2023: Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 48,96% (164/355 TTHC) tăng 21,42% so với năm 2022; Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 63,76% (106.924/167.709 hồ sơ) tăng 55,21% so với năm 2022.
Hạ tầng thanh toán (các cổng thanh toán trực tuyến, hệ thống ngân hàng, ví điện tử, giao hàng thu tiền hộ, thông qua các dịch vụ viễn thông Mobile money) ngày càng phát triển và các tiện ích được tích hợp. Cổng dịch vụ công của tỉnh được nâng cấp, hoàn thiện; hoàn thành tích hợp, kết nối Kho dữ liệu giấy tờ cá nhân Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; 100% đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính,… Thực hiện đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các ngân hàng, doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã quan tâm tập trung phát triển công nghệ, liên tục cung cấp cho khách hàng các tiện ích thanh toán điện tử, đáp ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các lĩnh vực Y tế, giáo dục, điện, nước, vệ sinh môi trường và dịch vụ bưu chính viễn thông,…
Thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ vùng cao Lào Cai
Trong năm 2023, nhiều mô hình “Chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt” được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ nói riêng, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số. Thanh toán không dùng tiền mặt đã làm thay đổi cách thức mua sắm của Nhân dân. Đặc biệt, tại các phiên chợ vùng cao, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã xuất hiện, người dân cũng rất hào hứng, quan tâm tới hình thức thanh toán mới này.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách; phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; Triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; Tăng cường phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trọng tâm là việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; ban hành kế hoạch thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện. Theo Kế hoạch, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) gấp 15 lần GRDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 7.500 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 10 - 15%/năm; Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị; 80 - 90% cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Trên 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; Trên 50% số người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM; Trên 90% số người nhận trợ cấp thất nghiệp được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.
Năm 2024, Lào Cai tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đảm bảo 50% người dân trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số cho người dân như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; ứng dụng Lào Cai số. Triển khai đào tạo tập huấn sử dụng các nền tảng số cơ bản dành cho người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chuyển đổi số. Chú trọng triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng thanh toán số: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục làm thẻ, ví điện tử cho người dân; Triển khai dịch vụ Mobile Money, phát triển điểm kinh doanh và đơn vị chấp nhận thanh toán để người dân có thể nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán bằng tài khoản Mobile Money mà không cần có tài khoản ngân hàng; Tuyên truyền, khuyến khích các cửa hàng, cửa hiệu, bệnh viện, trường học, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số không dùng tiền mặt như: thôn số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt, từ đó nhân rộng, lan tỏa kinh nghiệm.