Độc đáo ẩm thực của người Tày Nghĩa Đô - Bảo Yên

Trong vốn văn hóa lâu đời của người Tày Nghĩa Đô (Bảo Yên), thì văn hóa ẩm thực luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách mỗi khi đến thăm. Về Nghĩa Đô, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ những sản vật có sẵn dưới suối, trên rừng, tức là những nguyên liệu mà người Tày tự tay kiếm được, tự tay chế biến và thực tâm đãi khách. Ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày Nghĩa Đô còn hấp dẫn du khách bởi sự độc đáo trong sự hoà trộn của nhiều loại gia vị đậm chất Tây Bắc.

Hoa Núc nác nhồi thịt

Trong nhiều các món ăn được chế biến từ hoa Núc nác, thì Núc nác nhồi thịt là một món ăn cầu kỳ, thơm ngon hơn hẳn. Sau khi thịt được băm nhỏ, trộn với các gia vị thì nhồi vào trong lòng hoa và cho vào nồi hấp. Khi thưởng thức, có thể cảm nhận món ăn này có vị hơi đắng, cay và ngọt, rất phù hợp với những người ưa vị đắng và theo dân gian thì vị đắng này cũng chính là liều thuốc hữu hiệu để trị bệnh đau dạ dày. Trước kia lúc lắc thường chỉ có ở trên rừng, song hiện nay loài cây này đã được nhiều người dân Nghĩa Đô đem về nhà trồng và cho ra những mùa hoa hữu dụng.

Hoa Núc nác nhồi thịt là món ăn được chế biến cầu kỳ.

Hấp dẫn canh gà Nghĩa Đô

Thịt gà vốn là một trong những món ăn quen thuộc đối với người dân và dễ chế biến thành nhiều món hợp với khẩu vị của từng gia đình và từng địa phương. Gà nấu canh gừng theo tiếng Tày gọi là “cáy keng ké”. (Cáy là gà, keng là canh và ké là gừng). Đây là món ăn rất được người Tày ở Bảo Yên coi trọng và được nấu thường xuyên trong các dịp tiếp khách quý hoặc trong nhà có người ốm và cũng là món ăn phổ biến của họ trong những ngày đông giá. Bởi vì về mặt y học món canh gà gừng rất có tác dụng đối với mọi người, từ người già, người trẻ, người khoẻ và người ốm… đều có thể ăn được món ăn này. Gừng có tính vị cay, tính ấn, chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, nghẹt mũi, do đờm, nôn mửa, kích thích tiêu hoá, giải độc… chính vì thế các món ăn chế biến với gừng thường xuyên góp mặt trong các bữa ăn của các gia đình người dân Nghĩa Đô. 

Canh cá nấu lá vón vén

Nghĩa Đô có rất nhiều suối, nên việc đánh bắt cá suối rất thuận lợi và cá suối Nghĩa Đô cũng trở thành đặc sản. Nguyên liệu để chế biến món canh này chính là loại cá nhỏ, đuôi màu hồng, mình tròn được bắt ở suối Nghĩa Đô. Cùng với cá là một loại rau hái trên rừng mà người Tày nơi đây thường hay gọi một cách dân dã và đơn giản là rau “vón vén”. Loại rau này thường mọc ở trên núi cao, sườn đồi hay ven suối. Cộng thêm với các gia vị như gừng tươi và ớt quả.Việc chế biến món canh này hết sức đơn giản, nhưng muốn canh ngon cần phải tuân thủ theo công thức chế biến. Cá suối nhỏ được rửa sạch, bóp bỏ phần ruột, cho vào nồi đun nhỏ lửa, cho mắm, muối vừa đủ và đun nhỏ lửa khoảng 20 – 25 phút cho cá chín mềm và tạo nước canh có vị ngọt từ cá. Sau khi cá đã mềm nhừ, rau vón vén rửa sạch, vò rồi cho vào nồi nước canh cá đang đun sôi cùng với vài lát gừng đã đập dập. Đậy vung khoảng 10 – 15 phút là canh có thể dùng được. Canh cá suối nấu lá vón vén là món canh được người Tày dùng với cơm hàng ngày hay khi tiếp đãi khách ở xa về. Vị của món canh này thì ăn một lần có thể nhớ mãi: Có vị bùi của cá suối, vị thanh ngọt của nước canh, vị nửa ngọt, nửa chát của lá rau, vị hơi cay của gừng. Canh cá suối nấu lá vón vén còn là một vị thuốc hữu hiệu dùng cho người ốm và dùng để giải rượu khi say. Nếu ai đã từng một lần được thưởng thức sẽ rất khó để quên hương vị của loại cá suối nấu cùng rau vón vén này.

Rau vón vén nấu canh cá là món ăn hàng ngày của người Tày Nghĩa Đô.

Bánh cốm nhân thịt vịt

Bánh cốm nhân thịt vịt được chế biến khá đơn giản nhưng mang bản sắc riêng của đồng bào Tày. Cốm ép được để vào lá dong, dùng nước luộc vịt tưới ướt đều rồi gói lại, đặt lên tấm ván, đè một tấm ván nữa ở trên. Người ta dùng sức hai cánh tay ép mạnh hoặc dùng sức nặng, có khi ngồi hẳn lên tấm ván một lúc, cho gói cốm hình vuông dẹt mỏng, thành từng lớp, quyện chặt với nhau. Tiếp đó, người ta cho cốm vào lá dong, cho nhân thịt vịt vào giữa khối cốm, túm lá lại, dùng lạt buộc, rồi cho vào nồi hấp cách thủy hoặc xếp vào chõ đồ để các hạt cốm ngấm gia vị, dẻo dính liền nhau, tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn.

 Vịt bầu lam ống nứa

Trong số những món ăn như vịt luộc, quay, nướng, xào thì món vịt bầu lam ống nứa của người Tày để lại dư vị đậm đà nhất.  Để chế biến món ăn này, nguyên liệu quan trọng nhất là vịt bầu. Người Tày lựa chọn vịt bầu vì đây là giống vịt mình to, cổ xanh, có nhiều thịt, bơi lội dưới suối, thịt giòn và thơm ngon. Trong các bản, người Tày nuôi khá nhiều vịt bầu xen với vịt cỏ nên dễ dàng có nguyên liệu để chế biến món ăn. Ngoài ra, để món ăn thêm đậm đà, người Tày khéo léo sử dụng kết hợp các loại gia vị cùng với thịt vịt như hạt dổi, mắc khén, lá hẹ, các loại rau thơm trong vườn nhà, gừng, xả, ớt... Để chế biến món ăn này, người Tày thường lên núi chặt lấy ống nứa to, dài, cật dày dùng để lam vịt. Thưởng thức món thịt vịt bầu lam ống nứa, bạn sẽ cảm nhận được dư vị đậm đà và có cảm giác lạ miệng. Thịt vịt giòn, mềm, thơm và rất ngọt. Vị ngon đó hòa vào vị thơm của hạt dổi, mắc khén, vị cay của gừng, sả, các loại lá thơm vô cùng hấp dẫn. Vịt lam đậm đà bởi thịt không bị mất nước, kín hơi và có vị thơm từ ống tre nứa. 

Chế biến món nịt bầu lam ống nứa.

Trám muối

Tiếp đến phải kể đến món trám muối. Đồng bào Tày dùng trám để chế biến các món ăn mang đậm bản sắc. Món trám muối chỉ có Nghĩa Đô mới làm được. Trám được chọn là những quả trám già vàng ươm về trần qua nước nóng rồi cho vào ngâm với muối mặn, khoảng hai tuần, quả trám ngấm muối và chua dần thế là được món trám muối ăn rất thơm và đặc biệt.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa

Đó là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Lào Cai.

Bánh chưng cốm của người Thái

Vùng đất Thẳm Dương (Văn Bàn) không chỉ nổi tiếng với giống nếp đệ nhất “nữ hoàng” Khảu Tan Đón, còn có món bánh chưng cốm đang được cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào dân tộc Thái nơi đây xây dựng trở thành thương hiệu riêng.

Làng làm bánh chưng Ún Tà vào tết

Đến làng Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) những ngày tháng Chạp. Từ đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng máy cắt ống cây nứa, tiếng lách cách chẻ ống lam, đặc biệt là mùi gạo nếp thơm nức của những mẻ bánh chưng vừa luộc sẵn sàng phục vụ khách hàng chuẩn bị đón tết.

Dúa chỏ - Món quà vặt của vùng cao

Cách trung tâm huyện Bắc Hà khoảng 10 km, xã Hoàng Thu Phố có 5 thôn, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể cây chè di sản và bất cứ du khách nào đến Hoàng Thu Phố cũng được người dân mời thưởng thức món “dúa chỏ” (bánh nếp đường)...

Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu

Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát...

Bản Hồ mùa cốm mới

Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.