[Ảnh] Phụ nữ Tày Hợp Thành giữ nghề làm cốm
Tháng 10 vào độ cuối Thu, đến thôn Cáng 1, cáng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai, chúng tôi sẽ được hòa mình vào bầu không khí náo nức, rộn ràng của mùa cốm mới. Những phụ nữ Tày với đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, chịu khó ra đồng cắt lúa nếp về làm thành những hạt cốm dẻo thơm, mềm ngọt, đậm đà hương vị đồng quê.Từ giữa tháng 10 là thời điểm những ruộng lúa nếp bắt đầu mẩy hạt, cũng là lúc phụ nữ Tày thôn Cáng 1, Cáng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai ra đồng cắt lúa về làm cốm.
Lúa nếp trồng trên cánh đồng Hợp Thành có nhiều loại như: nếp cái hoa vàng, nếp đỏ, nếp trắng, nếp xanh… Khi hạt nếp tròn mẩy nhưng chưa quá chín, vừa đủ độ dẻo thơm sẽ được lấy làm cốm.
Để cắt được những bông lúa nếp đều nhau, không bị gãy để bó thành cum, đồng bào Tày dùng dao cắt lúa nhỏ chỉ vừa trong lòng bàn tay.
Thời điểm cắt lúa nếp làm cốm thường vào buổi sáng sớm khi nắng vừa lên, những bông lúa vẫn còn đọng những hạt sương đêm, thấm hương vị đất trời.
Lúa nếp được bó thành từng cum để gánh về nhà. Những cum lúa nếp tròn mẩy là nguyên liệu đặc trưng để làm ra những mẻ cốm thơm ngon.
Đồng bào Tày thường dùng máy tuốt lúa thủ công để tách hạt lúa nếp vì vừa tuốt được lúa, vừa giữ được từng sợi rơm để làm chổi rơm quét nhà.
Sau khi loại bỏ những hạt lúa lép, những hạt lúa nếp tròn mẩy sẽ được cho vào chảo rang lên đến khi đủ độ chín.
Rang cốm là công đoạn vất vả và khó nhất vì phải giữ đều lửa, đảo liên tục để lúa chín đều, không bị nổ. Những phụ nữ Tày chăm chỉ, chịu khó có thể rang được 3 - 4 mẻ cốm mỗi ngày.
Trước đây, phụ nữ Tày ở xã Hợp Thành thường dùng loỏng (vật dụng giống như thuyền gỗ) hoặc cối đá để giã cốm. Vào mùa cốm, trong các thôn người Tày rộn vang tiếng chày giã cốm đến tận đêm khuya.
Hiện nay, công việc tách vỏ cốm nhàn hơn trước vì sử dụng máy xay xát. Tuy nhiên, để tách vỏ cốm cần phải xay qua nhiều lần để loại bỏ hết vỏ trấu bám vào hạt cốm.
Công đoạn cuối cùng và cũng mất nhiều thời gian, đó là sàng sảy để cốm không còn vỏ trấu.
Những người phụ nữ Tày được bà, mẹ dạy cho cách sảy cốm dẻo và đều tay, không tốn sức, vừa loại bỏ được những hạt lép, vỏ trấu, vừa không rơi hạt cốm mẩy ra ngoài.
Những hạt cốm tròn mẩy, dẻo thơm được làm từ đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ của những phụ nữ Tày thôn Cáng 1, Cáng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai.
Sản phẩm cốm của phụ nữ Tày do Tổ sản xuất Hương cốm Hợp Thành làm ra đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được đóng gói kèm nhãn hiệu để bán ra thị trường.
Phụ nữ dân tộc Tày xã Hợp Thành giữ nghề làm cốm qua nhiều thế hệ, vừa góp phần bảo tồn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tạo ra thức quà ngon từ hạt lúa nếp dẻo thơm nơi đồng đất quê mình.
https://baolaocai.vn/anh-phu-nu-tay-hop-thanh-giu-nghe-lam-com-post391761.html