Lào Cai: Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn
Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Lào Cai triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết 26 giúp nông nghiệp, nông thôn Lào Cai phát triển toàn diện
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng,
Nghị quyết 26 góp phần giúp nông dân Lào Cai nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, công tác quy hoạch, định hướng sản xuất từng bước hoàn thiện; chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, sản xuất nông nghiệp đã và đang hướng vào chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo giá trị kinh tế cao, góp phần giúp nông dân Lào Cai nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Thu nhập người dân nông thôn từ 5,47 triệu đồng/người (năm 2008) lên 26,18 triệu đồng/người/năm (năm 2020), tăng 4,78 lần, vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp luôn đạt ở mức độ khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 6%/năm. Công tác an sinh xã hội và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân ở khu vực nông thôn tiếp tục có sự quan tâm; xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực, đời sống của nhân dân không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hằng năm giảm trên 6%. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn năm 2008 là 30,3% giảm còn 10,06% vào năm 2020.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, nâng cấp; chất lượng dân số và sức khỏe nhân dân cải thiện đáng kể. Môi trường nông thôn có chuyển biến tích cực, hủ tục lạc hậu dần được cải tạo, xóa bỏ. Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, dân chủ được phát huy, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được đẩy mạnh, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông hoá, 50% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, vượt 48% so với mục tiêu; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 100% số xã có trạm y tế xã, trường học được kiến cố hoá và 100% thôn, bản có nhà văn hóa. Tình hình an ninh nông thôn, an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, an ninh biên giới luôn được củng cố và bảo đảm.
Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn Lào Cai
Giai đoạn 2030-2045, Lào Cai tiếp tục khẳng định vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Trong đó phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt trên 6%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2030 ước đạt 16.000 tỷ đồng. Tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 115 xã, chiếm 90%, trong đó có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 70%, trong đó phấn đấu từ 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 80%; Thu nhập bình quân người dân nông thôn năm 2030 tăng 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ giảm hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 2 – 3%/năm. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 95%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%, sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng phát triển theo hướng bền vững. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 18.000 lao động nông thôn.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai đồng bộ 9 nhóm giải pháp, đó là: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp nông thôn; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học – công nghệ; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.
Trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử; dự báo tình hình, thị trường nông sản; phục vụ công tác vận hành, điều hành sản xuất, kinh doanh, kêu gọi thu hút đầu tư; phát triển mô hình “Chợ nông sản 4.0”, “Sàn giao dịch thương mại điện tử”, sàn giao dịch sản phẩm OCOP. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Phát triển toàn diện nông nghiệp – nông thôn – nông dân Lào Cai, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống nhân dân luôn được Đảng bộ tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những giải pháp đã và đang được triển khai sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, toàn diện.