Đổi thay ở Bản Sen

Từ một xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số (dân tộc Nùng chiếm gần 50%), với các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, xã Bản Sen, huyện Mường Khương đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Từ việc sản xuất nông nghiệp đơn thuần theo hướng tự cung tự cấp trước đây đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là mở rộng diện tích trồng cây chè Tuyết San theo hướng hàng hóa. Đến nay, Bản Sen là xã đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao 30a Mường Khương.

 

Đã lâu mới có dịp trở lại Bản Sen, ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận được đó là những con đường đất lâu nay đã được thay thế bằng đường bê tông kiên cố. Dọc hai bên đường là những đồi chè xanh mát mắt đang cho thu hoạch. Khung cảnh làng xóm trù phú, thanh bình…

Cây chè Tuyết San đã và đang trở thành cây làm giàu của bà con nông dân xã vùng cao Bản Sen.

Bên chén chè xanh ngắt bốc khói nghi ngút, Chủ tịch UBND xã Bản Sen -Trần Văn Tiến cho biết: Trước đây, bà con trong xã chủ yếu vẫn là trồng cây ngô, cây lúa… truyền thống, tuy vất vả nhưng thu nhập thì rất thấp. Còn cây chè, thực ra đã được đưa vào trồng từ những năm 1986, tuy nhiên, diện tích chưa đáng kể, năng suất thấp. Bước đột phá phải kể từ những năm 2001, khi Nhà nước thực hiện Chương trình 135 cho các xã đặc biệt khó khăn, cùng với đó tỉnh Lào Cai xác định cây chè là “chủ lực” trong cơ cấu cây trồng ngành nông nghiệp.

Để cụ thể hóa cho mục tiêu này, tỉnh Lào Cai đã có Chương trình trồng chè, với mục tiêu và những chính sách hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người nông dân trồng chè và các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ chè. Có thể nói đây là “cú huých” rất quan trọng để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã quyết tâm biến vùng đất bán sơn địa này thành “thủ phủ” chè Tuyết San của Mường Khương.

Sáng ngày 07/8, tại xã Bản Sen, Ban chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Mường Khương đã tổ chức buổi phát động phong trào trồng chè năm 2022 đến các hộ dân.

Có chủ trương đúng, chính sách và cơ chế rõ ràng, nhân dân các dân tộc trong xã “kề vai sát cánh”, “bỏ ngô xóa sắn” năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém, chuyển sang trồng chè. Những quả đồi bát úp trải dài từ Thịnh Ổi, Na Phả, Suối Thầu, Na Vai, Phảng Tao… phủ màu xanh mới của chè Tuyết San thay cho cây sắn, cây ngô cứ ngày càng khép tán đan cành, trổ búp non mỡ màng, đem lại mỗi năm gần 5 tỷ đồng cho người dân nơi đây.

Là một trong những hộ tiên phong đưa cây chè vào thay thế các cây trồng truyền thống trên đồng đất của gia đình, đến nay ông Vàng Dỉn Lìn ở thôn Phẳng Tao đã trở thành triệu phú trên mảnh đất Bản Sen. Nhờ tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác theo đúng qui trình kỹ thuật làm chè sạch, chỉ dùng phân hữu cơ, không dùng phân hóa học nên cây chè Tuyết San nhà ông Lìn năm nào cũng non mơn mởn, năng xuất luôn cao nhất nhì trong xã. Với hơn 2ha chè, mỗi năm cho gia đình ông Lìn thu nhập trên 100 triệu đồng.

Tâm sự với chúng tôi, ông Lìn cho biết: “Ban đầu khi được vận động đưa cây chè vào trồng thì gia đình cũng phân vân lắm, trồng ngô, lúa quen rồi, bây giờ đưa một cây mới vào trồng. Nói vui chứ đói có hái chè về ăn được đâu. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy cây chè sinh trưởng phát triển tốt, nhà máy chè về hướng dẫn thêm kỹ thuật, cam kết tiêu thụ thì cũng yên tâm. Bây giờ, cả thôn, cả xã hầu hết nhà nào cũng trồng chè, cây chè đã thực sự giúp cho bà con xóa đói giảm nghèo đã đeo bám bao lâu nay”.

Trên các đồi chè, không khí trở nên rộn ràng hơn khi búp chè năm nay đạt cả về năng xuất và chất lượng. Xã có trên 740 ha chè đang cho thu hoạch chủ yếu là giống chè Shan và chè Bát Tiên. Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, người dân trên địa bàn xã đã tiến hành thu hái, vụ chè năm nay gia đình Bà Trần Thị Cúc - Thôn Na Phả - xã Bản Sen rất phấn khởi bởi trên 1 ha chè của gia đình nở nhiều búp, lá đẹp, giá chè bán ổn định. Bà Cúc chia sẻ: “Mỗi ngày gia đình bà cần huy động từ 5 đến 7 người để hái chè, mỗi người hái được từ 70 kg đến 80 kg, trung bình mỗi ngày thu gần 1.500 kg chè búp”. 

Mỗi ngày gia đình bà Trần Thị Cúc - Thôn Na Phả cần huy động từ 5 đến 7 người để hái chè.

Đến nay, toàn xã Bản sen có gần 800ha chè hàng hóa; năng suất bình quân đạt 110tạ/ha. Nhờ cây chè mà gần 700/gần 1000 hộ dân Bản Sen có việc làm và nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm lại có thêm thêm nhiều triệu phú, hộ nông dân sản xuất giỏi, như Nông Văn Trường, Nông Văn Sền, Nguyễn Trung Huy.... Thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Đến nay cả xã chỉ còn gần 4% hộ nghèo. Cũng nhờ đó mà xã Bản Sen về đích nông thôn mới sớm nhất huyện Mường Khương (năm 2015).

Về mặt đầu ra, bao tiêu cho cây chè, trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có 7 nhà máy chế biến chè chất lượng cao. Đã qua rồi những ngày làm chè tự phát, được giá mất mùa, được mùa mất giá, mua tranh bán cướp, bây giờ người Bản Sen liên kết làm chè sạch thành vùng hàng hóa, bắt tay với các công ty chè Thanh Bình, Phong Hải, nhà máy chế biến chè Lùng Vai làm chuỗi sản phẩm chè, ràng buộc lẫn nhau vì lợi ích, hiệu quả kinh tế chung. Giờ đây, hầu hết các sản phẩm chè Tuyết Bản Sen đã có mặt thị trường lớn như Trung Đông, Đài Loan, châu Âu,…

Từ một cây trồng công nghiệp với những đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật trong trồng và chăm sóc thì đến nay với đồng bào Nùng, Giáy, Mông, Pa Dí… ở Bản Sen đã làm chủ được kỹ thuật. Và cũng từ cây chè đã mang lại ấm no cho đồng bào các dân tộc xã cửa ngõ của đất thép Mường Khương. Quan trọng hơn, người dân đã từng bước chuyển đổi được tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ ngành nông nghiệp Lào Cai 5.985 lít hóa chất để khắc phục sau bão lũ

Nhằm chung tay hỗ trợ, khôi phục sản xuất sau bão số 3, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã kêu gọi một số đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai 5.985 lít (kg) hóa chất, ước tổng giá trị 950 triệu đồng.

Đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới

Cách đây 66 năm, vào ngày 23/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Lào Cai và căn dặn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phải làm tốt 4 điều sau: “Đoàn kết chặt chẽ; Tăng gia sản xuất; Trật tự trị an; Thuần phong mỹ tục”.

Nông dân Bát Xát tích cực hiến đất xây dựng nông thôn mới

Đóng góp tiền của, ngày công lao động, thậm chí chặt bỏ cả đồi quế đang sinh trưởng và phát triển tốt để làm đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào được người dân ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Bát Xát tích cực hưởng ứng.

Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian vừa qua, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã hình thành ở nhiều địa phương trong tỉnh, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách.

Nông dân Lào Cai thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Tại các địa phương trong tỉnh, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên; qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao tiêu chí thu nhập.

Trao nhà đại đoàn kết - gửi sự yêu thương

Sáng 19/7, Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai phối hợp với Công đoàn Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại thành phố Hà Nội tổ chức trao hỗ trợ tiền làm nhà mới cho hộ gia đình bà Sùng Thị Sáy, ở thôn Suối Thầu 2 xã Ngũ Chỉ Sơn, thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.