Huyện Văn Bàn

Nằm ở phía Nam tỉnh Lào Cai, trên độ cao từ 700 - 900 mét so với mặt nước biển, Văn Bàn là huyện vùng cao, có diện tích lớn thứ 2 trong tỉnh, gồm 12 dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Giáy, Thái, Nùng, Mường, Hoa, Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì. Đông nhất là dân tộc Tày (chiếm hơn 50%), các dân tộc có số lượng ít là Nùng, Mường, Hoa, Sán Chay, Hà Nhì. Đặc biệt, Văn Bàn là nơi duy nhất của tỉnh Lào Cai có dân tộc Mông Xanh - một trong 4 ngành của dân tộc Mông cư trú ở Việt Nam.
Địa danh Văn Bàn có từ xa xưa nhưng được xác định rõ nhất là từ đời nhà Lý năm 1015. Trải qua thời kỳ lịch sử khi phong kiến phương Bắc xâm lược, Văn Bàn nằm trong đất Cương Gian (đời nhà Tần), quận Giao Chỉ (đời nhà Hán), đất Phong Châu (đời nhà Tuỳ, nhà Đường). Thời các triều đại phong kiến Việt Nam, Văn Bàn nằm trong lộ Hưng Hoá (đời Tiền Lê), trong Châu Đăng (đời nhà Lý); đời Hậu Lê, Văn Bàn là một châu của phủ Quy Hoá thuộc trấn Thiên Hưng. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19, Văn Bàn nằm trong Đạo quân binh thứ 3 và thứ 4 trước khi thành một châu của tỉnh Yên Bái vào năm 1900. Trong thời gian 1976 – 1991 thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ khi tái lập tỉnh, Văn Bàn lại thuộc tỉnh Lào Cai.

Nằm giữa hai dãy núi lớn là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi, có sông Hồng chảy qua và nhiều ngòi suối chằng chịt, địa hình Văn Bàn tương đối phức tạp với nhiều đỉnh cao trên 2000 mét như đỉnh Lùng Cúng (2.913m), đỉnh Xi-giơ-pao (2.876m), đỉnh Bá Muông (2.500m), đỉnh Pú Một (2.132m), đỉnh Gia Lan hùng vĩ gắn với khu du kích Gia Lan, vùng chiến khu Nà Chuồng thời kháng chiến chống Pháp.

Văn Bàn có nhiều tài nguyên khoáng sản như: sắt (Sơn Thuỷ), than (Chiềng Ken), penspat (Khánh Yên), vàng (Minh Lương). Nhiều xã nằm trên thềm Apatít và thuộc khu vực núi đá vôi nên đất đai phì nhiêu, cây cối tốt tươi như Khánh Yên Hạ, Tân An, Hoà Mạc...

Rừng Văn Bàn có độ tán che phủ lớn, có nhiều lâm sản, đặc sản quý như quế, thảo quả, mật ong... Đặc biệt Văn Bàn có diện tích rừng pơ mu lớn nhất toàn quốc. Đó là cơ sở để phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung (như vùng quế Nậm Tha, thảo quả Nậm Chày, hồng Tân An, đỗ tương Hoà Mạc), công nghiệp chế biến lâm sản (gỗ pơ mu, giấy) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến với Văn Bàn, ngoài các điểm tham quan du lịch Đền Gió, Pú Gia Lan, hang động Thẩm Dương, Thẳm Sáng với những thạch động muôn vàn nhũ đá kỳ ảo, ta còn được đến với một vùng văn hoá truyền thống đặc sắc của các dân tộc, nơi hội tụ các sắc màu văn hoá của 12 dân tộc anh em đang cùng nhau đoàn kết gắn bó chung sức xây dựng bản làng, xây dựng cuộc sống mới. Người dân Văn Bàn vẫn giữ được nghề truyền thống trồng bông dệt vải, làm đệm, gối bằng bông lau, làm chăn bông và nghề rèn nông cụ. Bạn có thể tìm mua bộ quần áo chàm hay chiếc túi thổ cẩm duyên dáng được tạo nên bởi đôi tay khéo léo tài hoa của người phụ nữ Tày, Dao đỏ. Bạn có thể thưởng thức rượu Nậm Cần, cá suối Văn Bàn hay món thịt trâu nướng. Sẽ không thể nào quên nếu một lần được ăn “khẩu lam” hay “pẻng chinh” nấu bằng nếp cái Thẩm Dương, thảo quả, đậu xanh...

Mùa xuân, Văn Bàn tưng bừng trong lễ hội “Lồng tồng” của dân tộc Tày được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng với các trò chơi ném còn, kéo co, chọi gà bằng bi chuối, chọi trâu bằng măng vầu, mùa kiếm theo tín ngưỡng phồn thực với mục đích cầu mùa; hội chơi hang của người Thái, người Tày ở hang Khánh Yên từ ngày 5 - 8 tháng 1 với hát giao duyên, luyến ái, tâm tình... Lễ hội của dân tộc Tày, Thái ngày nay đã trở thành ngày hội chung, mang sắc thái độc đáo của các dân tộc Văn Bàn.

Vượt qua mọi khó khăn thử thách, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Văn Bàn luôn gắn bó, đoàn kết một lòng thi đua lao động sản xuất, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội. Cuộc sống của người dân Văn Bàn hôm nay đang đổi thay từng ngày. Trong tương lai, Văn Bàn tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển kinh tế công nghiệp khai thác và chế biến cũng như phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện là những thế mạnh của địa phương.
(Theo laocai.gov.vn)

Tin Liên Quan

Đơn vị hành chính

Huyện Si Ma Cai

Địa danh Si Ma Cai có nghĩa là “Chợ ngựa mới”, bởi xưa kia chợ họp 6 ngày/phiên ở phố Cũ. Địa thế phố Cũ tương đối bằng phẳng, nên người dân dựng nhà san sát hai bên tạo nên dãy phố. Bao quanh phố Cũ là 1 khu rừng nên người dân phố Cũ...

Huyện Bắc Hà

Bắc Hà cũng như các huyện, thị khác có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Thời Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán; thời Bắc Thuộc thuộc châu Cam Đường, quân Giao Chỉ; thời Lý thuộc châu Đăng; đời Trần thuộc lộ...

Huyện Mường Khương

Vùng đất Mường Khương từ xưa có tên gọi là Mưng Khảng theo tiến địa phương là Mường Gang. Quá trình biến đổi của thời gian tên gọi được biến âm đọc chệch đi là Mường Khương; đến thời Pháp thuộc danh xưng Mường Khương được gọi một cách...

Huyện Bảo Thắng

Bảo Thắng là vùng thung lũng nằm ven hai bên sông Hồng, thuộc vùng đất cổ nằm chính giữa tỉnh Lào Cai. Từ buổi bình minh dựng nước thuộc đất Tây Âu của Thục Phán, thời Bắc thuộc là châu Cam Đường quận Giao Chỉ; đời Lý thuộc Châu Đăng;...

Huyện Bát Xát

Bát Xát ở dọc theo Sông Hồng, phía Bắc giáp huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp thành phố Lào Cai, phía Đông là sông Hồng và phía Tây giáp Sa Pa. Bát Xát gọi đúng từ, đúng âm là...