Huyện Bát Xát
Đặc biệt Bát Xát có quần thể hang động Mường Vi đã được xếp hạng danh thắng của quốc gia, có núi Tiên, nơi ngày xưa Tiên cho dân cư ở đây mượn bát đũa đồ dùng mỗi khi làng có việc vui, việc buồn. Hang ở Na Rin, chiều cao phải từ 5 đến 10 mét, chiều rộng của lòng hẹp là 15 – 20 mét, chỗ rộng từ 20 - 30 mét, còn sâu sẽ phải đi 9 đến 10 tiếng đồng hồ. Điều lý thú là suốt dọc chiều sâu của hang, ta luôn luôn dọc theo con suối nước mát lạnh, trong veo. Hang nằm dưới chân núi cô Tiên, có nguồn nước chảy trong lòng hang nên nhân dân gọi là động Thuỷ Tiên. Bên cạnh động Thuỷ Tiên còn có các động “Cám Rang” bên trong có mâm ngũ quả, cổng trời bằng nhũ đá kỳ ảo. Động Cám Rúm tức hang Gió có hình ruộng bậc thang, buồng ngủ cô tiên buông nhũ óng ánh. Động Cám Tẳm là kho nông cụ, đồ dùng của các nàng Tiên bị hoá đá…
Cùng với quần thể hang động, núi non kỳ thú, Bát Xát còn có Mường Hum, một ngôi làng người Giáy ở có con suối nước trong, lắm thác, nhiều cá chảy qua cạnh làng. Vượt Mường Hum qua Dền Sáng - vùng chè của người Dao đỏ, ta đến dải rừng già nguyên sinh với nhiều loại dược liệu và gỗ quý. Thoát khỏi khu rừng già sẽ đến một “vương quốc” Ý Tý. Nơi đây là một cao nguyên sương phủ, rét giá, nên nhà người Hà Nhì ai cũng trình tường và tạo thành hai lớp cửa để chống rét. Bát Xát còn có thác Tây trên con sông Hồng, nơi ngày xưa nghĩa quân của Bát Xát đã phục bắn chìm tàu thuỷ của quân Pháp khi hành quân lên Trịnh Tường.
Ai đến Bát Xát chưa uống rượu San Lùng thì coi như chưa từng đến Bát Xát. Rượu San Lùng là của người Dao đỏ San Lùng nấu bằng thóc. Rượu uống êm dịu, có mùi vỏ trấu thì mới là chính hiệu.
Bát Xát có 7 tộc người là Mông, Dao đỏ và Dao tuyển, Giáy, Hà Nhì, Hán, Tày và Kinh. Bát Xát có 7 tộc người thì cũng có 7 nền văn hoá riêng, song làm cho văn hoá Bát Xát nổi lên hơn cả là văn hoá Giáy với những lễ hội “Roóng pọc”, với những đám cưới vui nhộn của đón dâu, của trống kèn pí lè, sự ồn ào của trai gái bôi phẩm đỏ để mãi mãi nhớ tới nhau. Cùng với sự đặc sắc của văn hoá Giáy là văn hoá Hà Nhì đen, một dân tộc duy chỉ có ở Bát Xát. Người Hà Nhì sống ở tận cao nguyên Ý Tý, bốn mùa mát lạnh, đêm buông làng, bản vang vọng tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng đàn tròn của trai gái tìm nhau. Dân tộc Hà Nhì nơi đây có lễ hội Khô già cầu mùa vào mồng 6 tháng 6 âm lịch đầy ấn tượng với các trò chơi, tục cúng tế.