Huyện Si Ma Cai
Địa danh Si Ma Cai có nghĩa là “Chợ ngựa mới”, bởi xưa kia chợ họp 6 ngày/phiên ở phố Cũ. Địa thế phố Cũ tương đối bằng phẳng, nên người dân dựng nhà san sát hai bên tạo nên dãy phố. Bao quanh phố Cũ là 1 khu rừng nên người dân phố Cũ có dư thừa nguồn nước. Dần dần chợ được chuyển lên khu lưng chừng núi, tuy thiếu nước nhưng địa thế thoáng đãng, tầm mắt có thể nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn, và cái tên Si Ma Cai được hình thành, theo âm tiếng Hmông là Xênh Mùa Ca.Si Ma Cai là huyện vùng cao có 11 dân tộc chung sống ở 97 thôn bản. Trong đó đông nhất là đồng bào H’mông. Người Mông có kho tàng văn hoá dân gian độc đáo với lễ hội “Sải sán” và dòng suối dân ca thấm đậm chu kỳ đời người. Những điệu múa người Mông Si Ma Cai đều in đậm dấu ấn các thế võ. Dù múa gậy tiền, múa khăn, đến múa “Lình cha”, múa gậy… đều có các động tác thật nhanh, mạnh. Người Nùng, người La Chí lại có một số lễ hội gắn với thiên nhiên, bảo tồn các khu rừng cấm, bảo vệ môi trường. Nhưng sắc thái văn hoá các dân tộc ở Si Ma Cai phản ánh đậm nét nhất ở chợ phiên. Chợ phiên không chỉ là trung tâm trao đổi kinh tế mà còn là giao lưu văn hoá.
Đầu tiên, tại các ngõ chợ là nơi buộc ngựa. Tiếp ngay đó, là các lò rèn. Vào chợ, dọc theo hai bên, ta sẽ thấy các dãy hàng được sắp đặt theo một trật tự nhất định: đó là dãy hàng mía, dãy hàng chuối hột, vải rừng… hàng lương thực, dãy thổ cẩm… còn hàng các con giống, như: lợn, gà, vịt, ngan… được quy định một góc chợ riêng. Phía sau hai dãy hàng dọc theo đường trục, là các hàng quán mà “thắng cố” là món ăn đặc trưng của vùng này. Người đến chợ giao lưu tình cảm, hỏi thăm tin tức họ hàng, kinh nghiệm làm ăn. Đưa đẩy và cùng nâng bát rượu nồng bên bàn “thắng cố”, ta sẽ có đông thêm bạn bè, anh em được kết nghĩa khi đã thổ lộ hết tâm can.
Ngày nay, người dân Si Ma Cai được tiếp cận với cung cách làm ăn mới do được cán bộ, đảng viên tuyên truyền, phổ biến, được nghe đài, xem truyền hình, cả truyền hình bằng tiếng H’mông nên cả huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao.