Huyện Bắc Hà

Bắc Hà cũng như các huyện, thị khác có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Thời Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán; thời Bắc Thuộc thuộc châu Cam Đường, quân Giao Chỉ; thời Lý thuộc châu Đăng; đời Trần thuộc lộ Quy Hoá; từ thời nhà Lê đến thời Pháp chiếm đóng thuộc động Ngọc Uyển, châu Thuỷ Vĩ, phủ Quy Hoá.
 

Năm 1907, tỉnh Lào Cai thành lập là một châu của Lào Cai. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bắc Hà vẫn là một huyện của tỉnh Lào Cai gồm 4 tổng: Bắc Hà, Lùng Phình, Si Ma Cai và Bảo Nhai. Bắc Hà được tách thành 2 huyện là Bắc Hà và Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai từ năm 1967 - 1976 và thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn đến năm 1979. Từ năm 1979 - 1991, Bắc Hà và Si Mai Cai sáp nhập lấy tên là Bắc Hà, một huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ tháng 10/1991 - 10/2000, Bắc Hà là một huyện thuộc tỉnh Lào Cai. Hiện nay, Bắc Hà có 20 xã và 1 thị trấn.

Thuộc vùng cao nguyên đá vôi và gồm nhiều dãy núi với thung lũng hẹp, đất nông nghiệp rất ít, chủ yếu là đất lâm nghiệp, sông suối và có khí hậu á nhiệt đới nên Bắc Hà có điều kiện thuận lợi phát triển các loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả như mận tam hoa, mơ, lê, nhãn... Từ những năm 70 nhất là trong công cuộc đổi mới trở lại, Bắc Hà đã phát triển diện tích lớn trồng cây ăn quả ôn đới nhất là mận tam hoa. Năm 2000 khi chưa tách huyện Si Ma Cai (9/2000), toàn huyện Bắc Hà đã có diện tích trồng mận tam hoa 1.950 ha; có năm chiếm 90% sản lượng mơ mận toàn tỉnh và trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Cùng với đặc trưng về kinh tế, Bắc Hà còn nhiều trang sử đấu tranh oanh liệt chống giặc ngoại xâm tiềm ẩn trong các di tích còn tồn tại đến nay như: Thành cổ Trung Đô (xã Bảo Nhai) do chúa Bầu Vũ Văn Uyên cùng con cháu xây dựng những thập kỷ 30 đầu thế kỷ XVI để bảo vệ vùng căn cứ sông Chảy, là hậu cứ chống nhà Mạc bảo vệ biên cương. Căn cứ thủ lĩnh Giàng Chẩn Mìn và Giàng Chẩn Hùng ở Lao Dìn Phàng, Tà Chải, Trung Đô đánh tan giặc Hán cờ vàng cùng bọn tướng phỉ Sần Dìn Pao khi chúng đem quân đánh chiếm Bắc Hà tháng 4/1872. Đánh bại âm mưu xâm chiếm Bắc Hà của bọn thực dân Pháp năm 1886. Phối hợp với cánh quân Cờ Đen phục kích ở dốc Trung Đô đánh tan một đại đội lính Pháp khi chúng tấn công lên Bắc Hà năm 1891. Căn cứ Triệu Tiến Tiên ở bản Cái, Nghĩa Đô tiến về Trúc Lâu (châu Lục Yên) làm cứ điểm chỉ huy phong trào kháng Pháp ở 2 tỉnh Lào Cai – Yên Bái đã từng được phong làm “quốc vương”. Ông đã tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và tổ chức cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược tháng 10/1914. Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Hoàng A Tưởng ở thị trấn được xây dựng năm 1914 và hoàn thành năm 1921. Tuy đã trải qua 80 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính nhưng vẫn đứng uy nghi, nổi bật giữa khu dân cư đông đúc, phố xá tấp nập. Dinh Hoàng A Tưởng là một di sản văn hoá góp phần tìm hiểu kiến trúc, lịch sử xã hội vùng dân tộc miền núi thời phong kiến Việt Nam đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Bên cạnh các di tích lịch sử - văn hoá, Bắc Hà còn nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như núi Cô Tiên, không chỉ đẹp về cảnh quan môi trường mà còn chức đựng nhiều truyền thuyết dân gian. Hang Tiên ở Bảo Nhai với nhiều thắng cảnh đẹp kỳ vĩ, có rừng nguyên sinh, những nhũ đá muôn hình vạn trạng, những chú voi, đại bàng, bồn tắm thiên nhiên, những hang lớn như mê cung huyền ảo, những rào luỹ đá, những tháp cổ to nhỏ, những đảo nắng đầy hoa thơm cỏ lạ, những truyền thuyết về miếu Ba cô có huyền bí thiêng liêng.

Cùng với mận tam hoa, Bắc Hà còn có rượu ngô bản Phố trong vắt thơm ngon. Có chợ văn hoá nơi gặp gỡ của biết bao tình duyên đôi lứa thấp thỏm đợi chờ và bịn rịn. Nơi đây bán dủ các loại hoa thơm cỏ ngọt; trang phục thổ cẩm các dân tộc H’mông, Dao với nhiều loại hình hoa văn rực rỡ. Có văn hoá ẩm thực với món ăn Thắng cố nghi ngút rượu nồng cùng với phở chua đầy hương vị rừng núi. Có các lễ hội Lồng Tồng cầu mưa với điệu múa xoè uyển chuyển của người Tày – Tà Chải, Na Hổi; là những vốn văn hoá đặc sắc góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Bắc Hà có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đông nhất là dân tộc H’mông, Dao, Tày, Nùng.

Khai thác thế mạnh về kinh tế - văn hoá của địa phương, những năm qua Bắc Hà đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và đã thu được nhiều thành quả tích cực: Tốc độ phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên, số hộ nghèo và đói ngày càng giảm. Thời gian tới, Bắc Hà tiếp tục phấn đấu tăng sản lượng lương thực và nhịp độ phát triển kinh tế, xây dựng huyện lỵ vững mạnh toàn diện.
(Theo laocai.gov.vn)

Tin Liên Quan

Đơn vị hành chính

Huyện Si Ma Cai

Địa danh Si Ma Cai có nghĩa là “Chợ ngựa mới”, bởi xưa kia chợ họp 6 ngày/phiên ở phố Cũ. Địa thế phố Cũ tương đối bằng phẳng, nên người dân dựng nhà san sát hai bên tạo nên dãy phố. Bao quanh phố Cũ là 1 khu rừng nên người dân phố Cũ...

Huyện Mường Khương

Vùng đất Mường Khương từ xưa có tên gọi là Mưng Khảng theo tiến địa phương là Mường Gang. Quá trình biến đổi của thời gian tên gọi được biến âm đọc chệch đi là Mường Khương; đến thời Pháp thuộc danh xưng Mường Khương được gọi một cách...

Huyện Bảo Thắng

Bảo Thắng là vùng thung lũng nằm ven hai bên sông Hồng, thuộc vùng đất cổ nằm chính giữa tỉnh Lào Cai. Từ buổi bình minh dựng nước thuộc đất Tây Âu của Thục Phán, thời Bắc thuộc là châu Cam Đường quận Giao Chỉ; đời Lý thuộc Châu Đăng;...

Huyện Bát Xát

Bát Xát ở dọc theo Sông Hồng, phía Bắc giáp huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp thành phố Lào Cai, phía Đông là sông Hồng và phía Tây giáp Sa Pa. Bát Xát gọi đúng từ, đúng âm là...

Huyện Bảo Yên

Hành trình lên Tây Bắc ngược chiều con sông Chảy, theo quốc lộ 70, qua đất Lục Yên, khi thấy xuất hiện hai bên ven đường những vườn cam sành trĩu quả, những địu măng tươi hay gùi khoai sọ tím dẻo thơm trên đôi vai những thôn nữ là biết đã...