4 loại vắc xin phòng Covid-19 được triển khai tiêm cho người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Tính đến thời điểm hiện nay, Lào Cai đã triển khai tiêm được 395.287 mũi tiêm; trong đó, số người tiêm mũi 1: 325.974 người (chiếm 67,8% dân số trên 18 tuổi); số người tiêm đủ 2 mũi: 69.313 người (chiếm 14,4% dân số trên 18 tuổi). Riêng trong chiến dịch tiêm vắc xin được triển khai từ ngày 07/10 đã tiêm đạt 66,1%. Để đạt được kết quả đó có sự nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng, các cấp chính quyền và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.Để tăng tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, từ ngày 7/10/2021, các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức nhiều điểm tiêm; đưa các điểm tiêm đến gần người dân nhất có thể, như tại phường, xã, tổ dân phố. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, phát huy năng lực tối đa của các điểm tiêm chủng. Vận động người dân ủng hộ công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”, “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”; “hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn".
Tại thời điểm hiện nay, có 4 loại vắc xin được triển khai tiêm cho người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đó là:
Vắc xin COVID-19 Moderna của hãng Moderna (USA) đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm(FDA) cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) ngày 18/12/2020 và được WHO thông qua sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ngày 30/4/2021. Vắc xin Moderna cho thấy hiệu lực bảo vệ khoảng 94,1% đối với COVID-19, hiệu lực bảo vệ bắt đầu 14 ngày sau khi tiêm liều đầu; duy trì trên tất cả các nhóm tuổi (trên 18 tuổi) và không bị ảnh hưởng bởi giới tính hoặc dân tộc.
Vắc xin Pfizer/BioNTech đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 31-12-2020. WHO cũng đã đánh giá kỹ lưỡng chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của loại vắc xin này. Vắc xin Pfizer/BioNTech phòng COVID-19 có hiệu lực 95% trong việc phòng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có triệu chứng.. Vắc xin này cho thấy tính an toàn và hiệu quả ở những người có nhiều bệnh lý nền liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng. Các bệnh nền bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, gan hoặc thận cũng như các bệnh truyền nhiễm mạn tính đã ổn định và được kiểm soát. Ngoài ra, hiệu quả vắc xin được đánh giá là tương tự trên đối tượng phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú như với người trưởng thành khác.
Vắc-xin Vero Cell (tên gọi khác là vắc-xin SARS-CoV-2 Vero Cell, là một trong các loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) thuộc loại vaccine bất hoạt, ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%. Đến nay, vắc xin này đã được phân bổ tiêm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gần đây nhất là phân bổ 8 triệu liều, trong đó Hà Nội được phân bổ nhiều nhất lên đến 1,3 triệu liều. Trước đó, Lào Cai đã tiêm 17.000 liều tại các huyện, thành phố. Qua triển khai cho thấy các phản ứng ghi nhận được sau tiêm hầu hết là nhẹ đến trung bình trong thời gian ngắn.
Vắc xin AstraZeneca được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Vắc xin này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là 1 trong 3 vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Hiệu lực của vắc xin theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vắc xin COVID-19 AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 62 đến 90%.
Khi đến lượt mình được tiêm vắc xin phòng COVID-19, hãy đăng ký với các cơ sở tiêm chủng của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khoẻ và thông tin kịp thời cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm. Ý thức và hành động của mỗi người sẽ chung tay, góp sức đưa Việt Nam sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tạo miễn dịch cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Những điều cần lưu ý khi tiêm Vắc xin phòng Covid-19 Để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt là tai biến nặng sau tiêm, người dân cần lưu ý: - Hãy liên hệ với Sở Y tế tỉnh Lào Cai: 0969.841.414 ; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai: 0822.188.137; Bộ Y tế: 1900.9095 hoặc đến thẳng bệnh viện gần nhất khi thấy một trong các dấu hiệu: + Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; + Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu,xuất huyết dưới da; + Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; + Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hônmê, co giật; + Về tim mạch có dấu; đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; + Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; + Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; + Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; + Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt. - Người sau khi tiêm luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. - Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng. - Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. - Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. - Thường xuyên đo thân nhiệt: + Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm 9 tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. + Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất. |