Giáo dục Lào Cai: Nỗ lực vượt khó để đi lên
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng ngành giáo dục Lào Cai đã nỗ vượt khó để xây dựng nền tảng vững chắc về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khẳng định chất lượng bền vững, tạo đà cho sự bứt phá và phát triển mạnh mẽ trong chặng đường mới.Hiện quy mô giáo dục mầm non, phổ thông tại Lào Cai phát triển khá toàn diện, với 612 cơ sở giáo dục; trên 1.400 điểm trường, trong đó có 2/3 cơ sở giáo dục, học sinh, giáo viên ở vùng cao; 17.539 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trên 232 ngàn học sinh (70% học sinh là người dân tộc thiểu số). Ngoài ra, còn có Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai; trường Cao đẳng Lào Cai; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 152 trung tâm học tập cộng đồng… đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc sát sao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân và quyết tâm, cố gắng của các thế hệ nhà giáo, học sinh.
Kết quả đó trước hết thể hiện ở sự đổi thay rõ rệt về diện mạo của trường học. Mạng lưới trường, lớp được quy hoạch hợp lý, phù hợp quy mô nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao hiệu quả đầu tư trên cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập và được sự đồng thuận của nhân dân. Toàn tỉnh đã sáp nhập 145 trường, giảm 76 trường; sáp nhập 232 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học; xóa 92 điểm trường; đưa 19.380 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính. Hệ thống giáo dục đại học, dạy nghề dần ổn định, đáp ứng nhu cầu vừa học văn hóa, nghề gắn với phân luồng học sinh. Hiện các trường học tại Lào Cai cơ bản đều khang trang, sạch đẹp, văn minh, kỷ cương, an toàn và thân thiện.
Giáo dục Lào Cai phát triển trên cả 3 trụ cột: Giáo dục văn hóa, giáo dục đạo đức và giáo dục thể chất cho học sinh (Ảnh Nguyễn Hải)
Xác định rõ đặc thù giáo dục vùng cao, biên giới, Lào Cai đã tập trung đầu tư, phát triển mạnh công tác giáo dục dân tộc. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (09 trường), trường phổ thông dân tộc bán trú (136 trường) đã khẳng định vai trò nòng cốt tạo nên chất lượng giáo dục toàn diện, trung tâm tạo nguồn cán bộ và nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; phân luồng, hướng nghiệp cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Hiện tỷ lệ đi nhà trẻ đạt 30%, mẫu giáo 96,2% (riêng 5 tuổi đạt 99,9%); trẻ 6-10 tuổi 99,8%; 11-14 tuổi 99%; học sinh tiểu học lên lớp 6 đạt 98,2%. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở 100% xã, phường, thị trấn; trên 70% học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, 14% học nghề. Nhờ chú trọng công tác hướng nghiệp nên tỷ lệ học sinh học đại học giảm từ 29% năm 2015 xuống 20% năm 2020, số học nghề tăng đảm bảo cân đối nguồn nhân lực và thị trường lao động.
Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực, toàn diện, đồng bộ từ vùng thấp đến vùng cao. Trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục tăng (390 trường, đạt 64,7%); Chú trọng giáo dục toàn diện, rèn kỹ năng sống, lý tưởng, hoài bão cho học sinh, gắn giáo dục hội nhập với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiều mô hình cụ thể hóa phương châm học đi đôi với hành được vận dụng sáng tạo vừa tăng cường thực hành, trải nghiệm, giáo dục kĩ năng sống vừa nâng cao chất lượng toàn diện, đổi mới quản lý và phương pháp giáo dục. Công tác bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và nghiên cứu khoa học được quan tâm và đạt kết quả cao: Trong 5 năm (2016-2020), Lào Cai có 209 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT (02 giải Nhất môn Địa lý và Ngữ Văn). Thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia có 19 học sinh đoạt giải, tiếp tục khẳng định là tỉnh trong top đầu (01 giải Ba thi Quốc tế tại Mỹ). Trên các sân chơi trí tuệ khác, các học sinh cũng khẳng định được nhiều kết quả tốt, qua đó tạo được sự quan tâm của xã hội, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và lựa chọn chỉ đạo điểm thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.
Phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ luôn được chú trọng, hàng năm được bổ sung về số lượng và bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, đề cao chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp. Do vậy, nhà giáo vùng cao Lào Cai luôn không ngại khó, ngại khổ và dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để đạt được thành công. Hiện tại toàn ngành có 17.539 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học; 100% có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó đạt trình độ trên chuẩn đạt 84,75%; tỷ lệ đảng viên đạt 50,03%.
Có thể nói, kết quả đạt được giúp ngành giáo dục Lào Cai tự tin bước vào giai đoạn mới với phương châm: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất, duy trì vững chắc và nâng cao hiệu quả phổ cập giáo dục; phát triển mạnh giáo dục dân tộc, chuẩn hóa giáo dục vùng cao, từng bước đột phát về chất lượng thông qua 3 giải pháp đột phá: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT; Dạy và học ngoại ngữ - Hội nhập quốc tế về giáo dục; Phát triển trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao, phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Phấn đấu đến năm 2025 “giáo dục Lào Cai là một trong các tỉnh đứng đầu cả nước; tin học - ngoại ngữ đạt mức trung bình cả nước, đến năm 2030 dẫn đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc”./.