Giữ sắc màu thổ cẩm
Nhóm phụ nữ có sở thích thêu thổ cẩm ở thôn Bản Bông 1 - 2, xã Bảo Hà (Bảo Yên) đã và đang góp phần giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ trên địa bàn.
Bà Lý Thị Kiều biết thêu thổ cẩm từ năm 10 tuổi. |
Tới gia đình bà Lý Thị Kiều, dân tộc Dao đỏ, ở Bản Bông 1 - 2, xã Bảo Hà và các chị em có sở thích thêu thổ cẩm nơi đây, mới cảm nhận được tình yêu của phụ nữ Dao đỏ với nghề thêu truyền thống. Tranh thủ thời điểm nông nhàn, gần chục chị em dân tộc Dao đỏ trong thôn tập hợp tại nhà bà Kiều, mỗi người một túi xách/giỏ đồ, với đầy đủ dụng cụ như kim, chỉ màu, vải chàm, kéo… Phút chốc, không gian thổ cẩm đầy màu sắc đã tràn ngập khắp nhà bà Kiều.
Bà Kiều là một trong những người nhiều tuổi và có kinh nghiệm trong việc duy trì nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao đỏ ở địa phương. Bà được mẹ và bà nội dạy thêu từ năm 10 tuổi. Sau khi lấy chồng, bà vẫn duy trì nghề thêu thổ cẩm, may trang phục truyền thống cho chồng, con trai, con gái và cho mình sử dụng trong những dịp trọng đại của gia đình, dòng họ như đám cưới, đám hỏi, đám chay, đám giỗ hoặc lễ, tết… Cuộc sống hiện đại khiến lớp trẻ dần ít quan tâm tới việc học thêu cũng như duy trì nghề thêu và may trang phục dân tộc. Để giữ gìn, bảo tồn nghề thêu thổ cẩm dân tộc, bà Kiều cùng các chị em trong thôn tập hợp thành một nhóm thường xuyên chia sẻ, chỉ dạy cho nhau các mẫu thêu đã được học, sáng tạo thêm những mẫu mới, đồng thời kêu gọi lớp trẻ tích cực học thêu.
Bà Lý Thị Kiều tâm sự: Chị em trong thôn nếu thích nghề thêu thổ cẩm truyền thống của dân tộc, dù chưa biết thêu cũng có thể tham gia, những người có kinh nghiệm sẽ truyền dạy lại. Hầu như mọi người ở đây không biết hết các mẫu thêu, mà mỗi người biết vài mẫu, rồi chia sẻ, truyền dạy lại cho nhau. Năm 2017 nhóm bắt đầu hoạt động thường xuyên hơn. Lúc đầu chỉ có vài chị em tham gia, bây giờ đã có 16 - 18 chị em trong thôn tham gia thường xuyên. Có người mới 20 tuổi và cả các bà đã trên 60 tuổi vẫn tham gia nhóm.
Tham gia nhóm, thành viên thường xuyên chia sẻ, chỉ dạy cho nhau những mẫu thêu mới. |
Cũng theo bà Kiều, dân tộc Dao ở mỗi vùng, miền khác nhau đều có nét riêng về trang phục. Đối với bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở Bản Bông 1 - 2, những tấm vải thêu hoa văn thổ cẩm thường được may vào phần vạt áo phía trước, đuôi áo, lưng áo, tay áo. Đây cũng là điểm nhấn, tạo nên sự nổi bật, ấn tượng và độc đáo cho bộ trang phục. Ngoài ra, chiếc yếm cũng được thêu thổ cẩm. Để thêu được những tấm thổ cẩm thì không khó, nhưng để thêu đẹp thì không đơn giản. Nhờ đôi tay khéo léo, sáng tạo và sự kiên trì của phụ nữ Dao đỏ mà làm nên những tấm thổ cẩm đặc sắc.
Các họa tiết, hoa văn được tạo hình trên mặt tấm thổ cẩm đều gắn với cuộc sống lao động hằng ngày của người Dao đỏ. Đó có thể là hình những con vật quen thuộc như cua, mèo, gà, hổ hoặc các loại hoa, lá, cây, quả. Nhờ trí tượng tượng phong phú và đôi tay khéo léo, những phụ nữ Dao đỏ đã biến những thứ ấy vào tấm thổ cẩm của mình, tạo nên bộ trang phục truyền thống ấn tượng và độc đáo.
Thêu thổ cẩm là công đoạn mất nhiều thời gian nhất khi may một bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Tùy tay nghề, sự chăm chỉ, nhanh nhẹn của mỗi người, nhưng thường phải mất từ 3 đến 7 tháng để hoàn thành một bộ trang phục đầy đủ. Theo truyền thống của người Dao đỏ, cô gái trước khi lấy chồng phải có ít nhất 1 - 2 bộ trang phục để đem về nhà chồng. Nếu con gái không thêu, may được thì mẹ hoặc bà sẽ giúp.
Là người được tham gia nhóm thêu thổ cẩm cùng các bà, các mẹ trong thôn, chị Đặng Thị Hoa chia sẻ: Tôi biết thêu từ nhỏ nhưng từ khi tham gia nhóm thêu với các bà, các mẹ ở thôn, tôi được chỉ dạy thêm nhiều mẫu thêu mới, đẹp hơn. Tôi luôn thấy tự hào vì mình đã biết thêu và may được bộ trang phục truyền thống của dân tộc, không chỉ cho bản thân, cho chồng, con, mà còn góp phần lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.
Nhiều phụ nữ người Dao đỏ ở thôn Bản Bông 1 – 2, xã Bảo Hà (Bảo Yên) tham gia nhóm cùng sở thích để giữ nghề thêu truyền thống. |
Ngày nay, không phải nhà nào cũng duy trì được nghề thêu và may trang phục truyền thống nên nhu cầu đặt may cũng dần tăng. Một bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ có giá từ 5 đến 7 triệu đồng, chưa bao gồm các đồ trang sức đi kèm như yếm, bạc đeo cổ. Do đó, bà Kiều và chị em nơi đây đang nhen nhóm ý tưởng sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng, mẫu thêu mới cũng như tạo nhiều sản phẩm đa dạng hơn như túi xách, ví, đồ lưu niệm… để biến những tấm vải thêu thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hóa, thu hút khách du lịch, góp phần tăng thu nhập cho chị em trong thôn.
Chị Đặng Thị Loan, Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bản Bông 1 - 2 cho biết: Mô hình phụ nữ ở Bản Bông 1 - 2 duy trì sinh hoạt nhóm để giữ nghề thêu truyền thống là rất đáng trân trọng và nhân rộng. Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên ra quyết định thành lập nhóm cùng sở thích và nhờ các tổ chức đoàn thể trong và ngoài địa phương tìm đầu ra cho sản phẩm của chị em.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong hành trình khôi phục, bảo tồn và giữ gìn nghề thêu truyền thống của người Dao đỏ xã Bảo Hà, nhưng chính những phụ nữ tràn đầy tình yêu và tâm huyết với bộ trang phục dân tộc ở đây đã góp phần không nhỏ để nghề thêu truyền thống của người Dao đỏ được lưu truyền từ đời này sang đời khác, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
https://baolaocai.vn/bai-viet/348270-giu-sac-mau-tho-cam