Lào Cai đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh nông sản OCOP
Sau hơn hai năm triển khai Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, tỉnh Lào Cai dần chú trọng phát triển, tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa sản vật của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.Những kết quả bước đầu
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, tỉnh Lào Cai xây dựng và triển khai ngay Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị phát triển dược liệu vùng Tây Bắc
Để thực hiện chương trình có ý nghĩa tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn, góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, Lào Cai đã hoàn thiện hệ thống tổ chức, nhân sự thực hiện chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong đó, tập trung đào tạo cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình phát triển sản phẩm, thương hiệu OCOP; xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác để tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP trong việc đăng ký sản phẩm, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, thiết kế bao bì, đào tạo cho lãnh đạo và người lao động của cơ sở; tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đổi mới bao bì sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích, xu hướng của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến các cấp huyện, xã, doanh nghiệp, nhà nông. Từ đó tiếp cận, tham gia phát triển các sản phẩm OCOP; giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm ở nhiều địa phương.
Sau hơn hai năm nỗ lực triển khai, đến nay, Lào Cai đã có 78 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, gồm 01 sản phẩm đạt 5 sao (theo tiêu chí cũ), 19 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 58 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn trong nước như: chè Bản liền huyện Bắc hà, quế nậm Đét Bắc Hà, trà giảo cổ lam Sa Pa, lúa Séng cù Mường Khương, miến đao Thành Sơn Bát Xát, tương ớt Mường Khương,… Dự kiến hết năm 2020 chứng nhận thêm 15-20 sản phẩm, lũy kế sẽ có trên 90 sản phẩm OCOP, đạt 150% mục tiêu Đề án.
Đẩy mạnh giải pháp phát triển nông sản
Với mong muốn đưa những sản phẩm nông sản đặc trưng, chủ lực, cốt lõi từng vùng thành chuỗi hàng hóa, tiếp cận thị trường, tăng giá trị cho nông sản, tỉnh Lào Cai xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn và cơ cấu lại nông nghiệp trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó Lào Cai đã xác định các giải pháp trọng tâm, đồng bộ để nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu và giá trị cho nông sản. Tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, vận động trong cán bộ các cấp và người dân trong tỉnh về ý nghĩa, vai trò của chương trình đối với phát triển kinh tế nông thôn trong tỉnh, là kênh tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp và làm giàu ở nông thôn. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm: chi phí tư vấn xây dựng phương án kinh doanh, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc… và nhất là hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với các giải pháp đó, tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” ở giai đoạn 2018 - 2020, trên cơ sở đó xác định rõ các ưu, nhược điểm, bài học kinh nghiệm, từ đó xây dựng mới Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2030”; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về quản trị sản xuất, quản trị doanh nghiệp, quản trị thương hiệu, quản trị marketing… giúp cho chủ thể OCOP là các “CEO cỡ nhỏ” để họ làm chủ doanh nghiệp, làm chủ chuỗi giá trị.