Lào Cai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN) là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài. Dấu ấn của KH&CN đã và đang thể hiện rõ nét trong sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn Lào Cai.Hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả ngày càng cao nhờ ứng dụng KHCN.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong bối cảnh khoa học và kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tác động vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình sản xuất giống, nuôi trồng một số sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ... đem lại hiệu quả rõ rệt. Điều đáng mừng là nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt.
10 năm qua (2010-2020), việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất tại Lào Cai đã tạo nhiều bước tiến khả quan cho ngành nông nghiệp. Cùng với việc tập trung đầu tư cho công tác giống, nhằm tuyển chọn giống mới bổ sung vào tập đoàn giống vật nuôi, cây trồng chủ lực của tỉnh hoặc bản địa có ưu thế lớn về năng suất, chất lượng hoặc giá trị bảo tồn nguồn gen, tỉnh Lào Cai cũng đã đầu tư mạnh cho nội dung nâng cao kỹ thuật canh tác cây trồng, vật nuôi. Chọn tạo được 03 giống lúa lai (LC25, LC212, LC270), phát triển 01 giống lúa thuần Tân Thịnh 15; bảo tồn, khai thác 03 giống lúa bản địa có giá trị kinh tế cao (Séng cù Mường Khương, Khẩu Nậm xít Bắc Hà và Chăm pét Văn Bàn); nghiên cứu và khảo nghiệm 2 giống cây ăn quả là Lê VH6 và đào Pháp; ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống một số chuối, hoa địa lan Sa Pa, hoa địa lan thơm, đồng tiền, cúc.. là một số kết quả trong việc đầu tư về giống cây trồng. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình rau chất lượng cao, quanh năm theo quy chuẩn quốc gia. Sử dụng công nghệ nhà lưới nhà kính với hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương tiết kiệm nước đã tạo vùng sản xuất hàng hóa. Nhờ áp dụng giống mới và kỹ thuật tiến bộ mô hình ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập trên 250 triệu/ha/năm.
Tập trung nghiên cứu, cải tạo giống cây trồng
Những năm trở lại đây, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển vùng sản xuất dược liệu chung của cả nước theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện nay đang tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng phát triển gắn bảo quản, sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý một số cây dược liệu có giá trị kinh tế như cây tam thất, đương quy, bạch chỉ, ba kích, Actiso, bạch truật, bạch chỉ, đỗ trọng, đương quy... Tính đến hết tháng 6/2020, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh là 2.264 ha, đạt 119% so với mục tiêu của quy hoạch. Đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu có 3.500 ha cây dược liệu và tập trung phát triển 22 chủng loại dược liệu chính, sản lượng khoảng trên 11.000 tấn/năm; định hướng phát triển mở rộng vùng trồng dược liệu, cung cấp nguyên liệu dược cho các công ty, tập đoàn chế biến dược trong nước.
Bên cạnh đó, Lào Cai còn hỗ trợ cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng chất lượng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, trang trại, phương thức công nghiệp... Thuỷ sản từ chỗ khai thác tự nhiên, đã phát triển nuôi trồng thuỷ sản đa dạng, hiệu quả cao như cá nước lạnh, rô phi đơn tính, cá chép lai...; diện tích, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tăng nhanh, từ sản xuất tự cấp tự túc đã chuyển sang sản xuất thâm canh, hàng hóa.
Công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chủ lực, đặc sản đặc hữu của tỉnh được chú trọng tăng cường. Hiện nay toàn tỉnh bảo hộ trên 209 nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý. Một số nhãn hiệu mang lại giá trị kinh tế cao (mật ong Thanh Xuân, tương ớt Mường Khương, mận Bắc Hà, quýt Mường Khương, bưởi múc Bảo Thắng; chè Shan Bắc Hà, dược liệu Bắc Hà, dược liệu Bát Xát,...).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua còn gặp khó khăn như: chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình chưa thực sự rõ nét nên một số kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng nhưng chưa được nhân rộng; nguồn nhân lực nghiên cứu, tập quán sản xuất, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong việc đổi mới công nghệ, đầu tư cho khoa học công nghệ.
Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp Lào Cai cần hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ), từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đồng thời, ngành cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ điều kiện về năng lực để tiếp nhận và vận hành công nghệ. Đồng thời, tỉnh cần giúp người nông dân tiếp cận dần với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đặc biệt là công tác tìm đầu ra cho sản phẩm, cần ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.