Hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt với nhiều chính sách, chương trình hành động thiết thực, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo bền vững.Giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo đã được các ngành, địa phương của tỉnh Lào Cai triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, góp phần. Từ năm 2015 Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đề án gồm 2 dự án thành phần với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, gồm: Dự án đào tạo nghề cho người lao động giai đoạn 2016-2020 và Dự án giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2016-2020.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh có hơn 39 nghìn hộ thoát nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 5,17%, với 7.800 hộ/năm, vượt gần 30% kế hoạch so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt 103,4% kế hoạch so với mục tiêu Đề án “Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020”. Đáng chú ý, tỷ lệ tái nghèo bình quân dưới 1%/năm, vượt mục tiêu đề án. Phấn đấu giảm trên 2.000 hộ cận nghèo/năm, ước năm 2020, kết quả giảm hộ cận nghèo 27.023 hộ/10.000 hộ, đạt 270% kế hoạch.
Phát triển vùng chè nguyên liệu là mô hình xản suất hiệu quả gắn với công tác giảm nghèo tại Lào Cai.
Việc thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo 30a, 135,… đã tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thúc đẩy giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Thông qua các nguồn lực hỗ trợ, người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường. Đặc biệt hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm bền vững người dân.
Mặc dù đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, tuy nhiên công tác giảm nghèo ở Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại, khi có trên 95% hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, còn 43xã/164 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy công tác chỉ đạo, lãnh đạo ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, cụ thể, cá biệt vẫn còn hiện tượng số ít xã sợ thoát khỏi tiêu chí xã đặc biệt khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo ở địa phương...
Hướng tới việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh Lào Cai đã đề ra nhóm giải pháp thực hiện đồng bộ. Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò các tổ chức đoàn thể các cấp đến cơ sở đối với công tác giảm nghèo.
Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm.
Tập trung giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Tích cực thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-4%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2020-2025, đến năm 2025 còn dưới 15.000 hộ nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm trở lên, phấn đấu 50% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo.