Truyền thanh cơ sở- tuyến cuối cầu nối thông tin đến người dân
Chỉ số đo lường tiếp cận về thông tin hay nói cách khác là giảm nghèo về thông tin thực chất là tạo điều kiện cho bộ phận cư dân nghèo, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, những vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo và những quyền lợi gắn bó thiết thân với cuộc sống của bà con. Tại Lào Cai, với 158 trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn và trên 2600 cụm loa thôn, bản, tổ dân phố đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh.Thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Thông tri số 03-TT/TU ngày 22/9/2016 của Tỉnh ủy Lào Cai về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã triển khai “Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016- 2020”; ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017- 2020; ban hành chính sách hỗ trợ công tác tổ chức quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng do cấp xã quản lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020; Chính sách hỗ trợ đối với trạm truyền thanh xã và cụm loa truyền thanh thôn, bản, tổ dân phố; Chính sách hỗ trợ phát lại chương trình PT-TH tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn đẩy mạnh việc đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới như hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng các chương trình phát thanh truyền hình tiếng dân tộc; cấp phát các ấn phẩm báo chí cho các điểm bưu điện văn hóa xã, các thôn, bản, các điểm sinh hoạt cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ vận hành trạm truyền thanh cấp xã và cụm loa truyền thanh thôn bản, tổ dân phố;...
Lãnh đạo Sở TT&TT trao giấy chứng nhận cho các học viên tham gia lớp tập huấn
biên soạn nội dung thông tin về Nông thôn mới (Ảnh: Ánh Nguyễn)
Đặc biệt, để cán bộ làm công tác truyền thanh được tiếp cận với cách làm mới, có kỹ năng biên tập, sản xuất chương trình truyền thanh tại cơ sở, năm 2017, Lào Cai đã tổ chức thành công Hội thi phát thanh cơ sở với chủ đề “Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia 29 xã thuộc 8 huyện và thành phố Lào Cai. Năm 2019, Hội thi phát thanh cơ sở lần thứ 2 được tổ chức với sự tham gia của 66 xã, tăng 56% so với năm 2017. Và năm nay -năm 2020 là năm thứ 3 tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thi này. Qua 2 lần tổ chức Hội thi đã có sự lan tỏa tại cơ sở, thu hút nhiều Đài tham gia, được lãnh đạo Tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao. Điểm mới nổi bật của Hội thi năm 2020 là Cục Thông tin cơ sở (Bộ TTTT) đã lựa chọn tỉnh Lào Cai là điểm tổ chức Hội thi An toàn Giao thông. Do đó, năm nay, Hội thi phát thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai được phát động trên quy mô toàn tỉnh với hai nội dung chính: thi về chủ đề “Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai” và chủ đề “An toàn giao thông”. Hội thi đã nhận được được 115 bài dự thi của 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 70 bài dự thi chủ đề “Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai” và 45 bài dự thi chủ đề “An toàn giao thông”.
Hội thi đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các cán bộ truyền thanh cơ sở. Với cách làm sáng tạo, thực tế, xuất phát từ nhu cầu thông tin của người dân, họ đã lựa chọn những thông tin gần dân nhất, gần với cuộc sống của bà con nhất.
Các tác phẩm dự thi có nội dung phản ánh công cuộc đổi mới toàn diện của các địa phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là năm 2020, các chương trình đã bám sát chủ đề; khai thác những vấn đề thời sự nổi bật được người dân quan tâm như Đại hội Đảng các cấp, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, phòng chống dịch Covid-19, chuyển đổi mô hình chăn nuôi sau dịch tả lợn châu phi.
Chất lượng các tác phẩm dự thi mỗi năm đều tăng về số lượng và chất lượng, nhiều Đài Truyền thanh đã đầu tư nghiên cứu tìm chủ đề phù hợp và có nhiều tác phẩm chất lượng cao, các chương trình xây dựng sáng tạo, phù hợp với công tác tuyên truyền tại địa phương. Các cán bộ truyền thanh ở cơ sở đã khắc phục khó khăn, tự xây dựng, ghi âm chương trình phát thanh và có sự sáng tạo, đầu tư, mời nhân vật đến phòng thu phỏng vấn trực tiếp. Điều đó cho thấy sự nỗ lực, cố gắng, sự sáng tạo và cả sự chuyên nghiệp của các cán bộ truyền thanh cơ sở.
Hội thi phát thanh cơ sở là một hoạt động chuyên môn có ý nghĩa, thực tế, giúp cán bộ làm công tác truyền thanh được tiếp cận với cách làm mới, đặc biệt là quá trình soạn thảo, biên tập, tổ chức xây dựng, sản xuất các chương trình; đồng thời là sân chơi để các cán bộ truyền thông ở cơ sở thể hiện tính sáng tạo, là cơ hội để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất các chương trình phát thanh; giới thiệu những tác phẩm phát thanh xuất sắc tới đông đảo thính giả.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông hiện đại, hệ thống trạm, đài truyền thanh cơ sở vẫn luôn là kênh truyền thông quan trọng.
Với việc phát huy tính hiệu quả, đổi mới về nội dung thông tin, sự lan tỏa từ Hội thi phát thanh cơ sở, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền, là cầu nối giữa Đảng và dân, đặc biệt là người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.