Lào Cai: Vai trò truyền thông trong xây dựng NTM
Chương trình xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là cuộc vận động mang tính toàn diện. Trong đó công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lào Cai.Tỉnh Lào Cai, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí hiện đại, hệ thống đài truyền thanh cấp xã, cụm loa truyền thanh thôn, bản, tổ dân phố đã trở thành công cụ tuyên truyền hữu ích, giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Đây cũng là kênh thông tin thiết thực với người dân, đặc biệt là khu vực miền núi, nông thôn, vùng cao trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và công tác xây dựng NTM tại địa bàn nói riêng.
Trước đây, để thông báo đến người dân về hoạt động chung như họp thôn, tổ chức dọn vệ sinh, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID 19, chuẩn bị vụ mùa..., cán bộ thôn phải đi gõ cửa từng nhà, bất kể nắng mưa để thông báo, thậm chí phải đi nhiều lần vì các hộ vắng nhà. Giờ đây, việc làm này đã được thay bằng hệ thống loa truyền thanh của thôn. Ông Tẩn Láo Tả, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan cho biết: "Tôi yêu cầu các trưởng thôn đọc bản tin thường xuyên, mỗi ngày 2 - 3 lần và nhắc lại nhiều lần để cho bà con cùng biết. Loa truyền thanh này rất hiệu quả, phát ra là cả làng cùng nghe được, rất nhanh gọn, chứ không như trước kia cứ phải đi đến từng hộ tuyên truyền, giải thích rất mất thời gian".
Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016- 2020” khi được triển khai đã giúp Lào Cai xây dựng hệ thống truyền thanh hiện đại, mở rộng phạm vi phủ sóng toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Tỷ lệ người dân nghe được thông tin từ hệ thống truyền thanh ở cơ sở đạt 95%.
*Nỗ lực nâng cao chất lượng tiêu chí thông tin và truyền thông
Tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai có hiệu quả Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” đã giúp người dân vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận thông tin và internet. Tại các điểm bưu điện văn hóa xã, người dân vùng cao, vùng sâu Lào Cai có thể gửi thư tín, chuyển phát vật phẩm, truy nhập Internet, đọc sách báo miễn phí giúp người dân có thêm kênh tiếp cận thông tin.
Ngoài việc mở rộng hệ thống trang thiết bị, ngành Thông tin và Truyền thông Lào Cai còn tăng cường đưa thông tin về cơ sở với việc hỗ trợ phát lại 811 chương trình truyền hình, 249 chương trình phát thanh; hỗ trợ sản xuất 199 chương trình phát thanh, 37 chương trình truyền hình cho Đài truyền hình cấp tỉnh và huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ nông thôn, đồng bào các dân tộc Lào Cai...
Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ tiếp tục xây dựng, nâng cấp hạ tầng bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin đến cấp xã, đảm bảo nhân dân các thôn, bản tại các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ cơ bản. Đồng thời đẩy mạnh triển khai nhân rộng mô hình chuyển bộ phận một cửa các huyện sang trụ sở bưu điện huyện tạo điều kiện cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi; Ứng dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt với những thanh toán có giá trị nhỏ thông qua tài khoản viễn thông như thanh toán tiền điện, tiền nước…; Hỗ trợ máy vi tính tại các điểm sinh hoạt cộng đồng của các thôn, bản, điểm bưu điện văn hóa xã để phổ cập và nâng cao khả năng sử dụng máy vi tính cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin và con em mình có điều kiện học tập trực tuyến khi cần thiết.
Trong những năm tới, ngành Thông tin và Truyền thông Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng bưu chính, viễn thông, internet; nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở; tăng cường công tác truyền thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tại các xã; đào tạo, tập huấn cho cán bộ truyền thông; sử dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế thông tin và truyền thông ở cơ sở.