12 Luật có hiệu lực từ 1/7/2020

Từ ngày 1/7/2020, 12 Luật sẽ có hiệu lực như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Thư viện;...
 

 

Ảnh minh họa

Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tập trung vào một số chính sách lớn như liên thông trong công tác cán bộ, đổi mới công tác tuyển dụng, sửa đổi công tác đánh giá cán bộ… Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức. Theo đó, từ ngày 1/7/2020, đội ngũ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là viên chức thay vì công chức như quy định của pháp luật hiện hành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sửa đổi, bổ sung 5/50 điều của Luật Tổ chức Chính phủ về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…; sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương;…

Hộ chiếu có 2 loại là gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 8 chương với 52 điều. Luật được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điểm mới của Luật về giấy tờ xuất nhập cảnh là Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại là gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.

Làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục

Luật Giáo dục năm 2019 gồm 9 chương, 115 điều thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Luật Giáo dục năm 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm…

Thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam

Luật Thư viện được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam; khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Luật có 6 chương với 52 điều. Luật quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Tạo khung hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên

Luật Lực lượng dự bị động viên (có 5 chương với 41 điều) được ban hành nhằm tạo khung hành lang pháp lý về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Luật sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thể chế hóa đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến dân quân tự vệ

Luật Dân quân tự vệ (2019) gồm 8 chương với 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ. Luật đã thể chế hóa đường lối, quan điểm mới của Đảng liên quan đến dân quân tự vệ, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.

Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 28 điều. Theo quy định của Luật, bí mật nhà nước có ba thuộc tính cơ bản: Bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc; phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hình thức chứa bí mật nhà nước, bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. 

Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng quy định khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên. 

Tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại

Luật Quản lý thuế gồm 17 chương, 152 điều. Luật sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Quy định các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá.

Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng

Luật Kiến trúc gồm 5 Chương, 41 Điều đã bao quát 2 nội dung chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Nội dung Quản lý kiến trúc bao gồm các điều về yêu cầu về kiến trúc đối với khu vực đô thị; nông thôn; quản lý thiết kế kiến trúc; quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc, Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; quản lý lưu trữ tài liệu.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia. Các nội dung sửa đổi của Luật liên quan đến quy định việc cấp thị thực điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; ký hiệu và thời hạn của thị thực…

Theo baochinhphu.vn (http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/12-Luat-co-hieu-luc-tu-172020/399546.vgp)

Tin Liên Quan

Những kết quả đạt được về KT-XH là rất tích cực, khả quan

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam...

Đưa quan hệ Việt Nam-Qatar bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Báo ASIAN Telegraph (Qatar) nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhà nước Qatar.

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.