CPTPP một năm nhìn lại: Nhiều cơ hội mới cho DN Việt Nam và Canada
Tại Toronto, chính quyền thành phố và Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo kinh doanh tại Việt Nam, với các chủ đề “Nhìn lại một năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các cơ hội tại Việt Nam” và "Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam".Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong khuôn khổ CPTPP, cơ hội đối với các doanh nghiệp Canada tại thị trường Việt Nam trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ hàng không, công nghệ thông tin-viễn thông, tới nông sản, khoáng sản. Trong năm 2019, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều ước tính lên đến 7,8 tỷ CAD (khoảng 5,98 tỷ USD).
Các đại biểu cũng đề cập tiềm năng hợp tác giữa Canada-Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, trong bối cảnh giá trị nhập khẩu dịch vụ tài chính vào Việt Nam đã lên đến 523 triệu USD trong năm 2018.
Mức đầu tư của Việt Nam vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải- lĩnh vực mà Canada có nhiều điểm mạnh- dự kiến sẽ tăng lên 11 tỷ USD vào năm 2020 và 17 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là mảnh đất màu mỡ mà doanh nghiệp hai bên cần thúc đẩy khai phá.
Bên cạnh đó, giáo dục tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hợp tác Canada-Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 toàn cầu về nguồn du học sinh quốc tế tại Canada, với trên 20.000 du học sinh Việt Nam đang theo học ở xứ sở Lá phong.
Trong khuôn khổ hội thảo, giới chức Canada cũng nhấn mạnh, những cơ hội hợp tác mới nổi lên trong lĩnh vực năng lượng tái sinh và quản lý rác thải, khi Việt Nam không ngừng nỗ lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Bên lề hội thảo, TTXVN cho biết, Phụ trách khu vực châu Á của Cơ quan Phát triển xuất khẩu Canada (EDC), ông Robert Cameron khẳng định, với những yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học và tầng lớp trung lưu không ngừng lớn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Canada.
Ông Robert Cameron khuyến nghị, trước khi thâm nhập thị trường, các doanh nghiệp Canada cần chuẩn bị đầu tư thời gian và nguồn lực để xây dựng các mối quan hệ bền vững tại Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu Canada nên chọn một đại diện tại địa phương làm nhà nhập khẩu/phân phối các mặt hàng xuất khẩu của mình. Các cơ quan như EDC và TCS (Cơ quan hỗ trợ thương mại, thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu, quy tụ hơn 1.000 chuyên gia thương mại của Canada) có thể đóng vai trò quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp Canada thâm nhập thị trường Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp này trong quá trình kinh doanh.
CPTPP đem đến cho các doanh nghiệp Canada cơ hội được tiếp cận tốt hơn với một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, một thị trường 505 triệu người tiêu dùng, với quy mô GDP lên tới 10.600 tỷ USD.
Theo giới chuyên gia, tiềm năng to lớn của hiệp định này cần được Việt Nam và Canada khai thác tốt hơn nữa trong thời gian tới. ''Sân chơi'' mới đã mở nhưng nếu các doanh nghiệp không chủ động nhập cuộc thì cũng khó có thể chiếm lĩnh được thị trường.
Hiện CPTPP đã có hiệu lực tại 7 nước gồm: Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam. 4 nước còn lại gồm: Peru, Malaysia, Chile và Brunei đang trong tiến trình phê chuẩn hiệp định này. 11 nước tham gia CPTPP chiếm khoảng 13% GDP của thế giới. |