WHO: Việt Nam đang xử lý dịch COVID-19 rất tốt
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh COVID-19 rất tốt, với năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp.Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiến hành phun thuốc khử khuẩn. |
Theo thông tin mới nhất của WHO Việt Nam về "Dịch COVID-19: Những gì chúng ta đã biết đến nay", WHO đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp.
WHO cho biết: Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, v.v. - theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) (2005).
“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là COVID-19”, WHO nhận định.
WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành."
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới trong những ngày tới.
Hiện chưa có vaccine phòng COVID-19. Việc sản xuất vaccine đang được tiến hành để các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu sau 3-4 tháng. WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vaccine đang được nghiên cứu và có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng.
Để tránh bị nhiễm nCoV, WHO khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp cơ bản, thực hiện an toàn thực phẩm. Nếu có thể, cần tránh tiếp xúc gần với những người có những triệu chứng của các bệnh về hô hấp như ho hay hắt hơi.
Những biện pháp không được khuyến cáo trong việc điều trị COVID-19 bởi chúng không có hiệu quả và có thể gây nguy hiểm là hút thuốc, tự uống thuốc như kháng sinh, đeo nhiều khẩu trang cùng lúc để tối ưu mức bảo vệ.
WHO lưu ý tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn khẩn cấp
Ngày 15/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona nCoV vẫn là tình trạng khẩn cấp tại Trung Quốc và hiện chưa thể nói trước dịch sẽ lây lan tới đâu.
Phát biểu tại Hội nghị an ninh tại Munich, Đức, ông Tedros cho biết dù rất ấn tượng với những biện pháp mà Trung Quôc đã thực hiện trong thời gian qua để kìm hãm tốc độ lây lan dịch bệnh nhưng ông vẫn lo lắng khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Pháp vừa mới thông báo ca tử vong đầu tiên tại châu Âu vì dịch bệnh này là một phụ nữ 80 tuổi, người Trung Quốc, nhập viện điều trị trong chuyến du lịch tới quốc gia này hồi cuối tháng Một vừa qua. Ai Cập cũng là quốc gia đầu tiên tại châu Phi phát hiện ca nhiễm bệnh.
Trong diễn biến liên quan, giới chức Malaysia ngày 15/2 xác nhận một hành khách 83 tuổi người Mỹ đến quốc gia này hôm 14/2 nhiễm virus nCoV. Đáng chú ý, đây chính là một trong số những du khách trên du thuyền Westerdam vừa mới cập cảng tại Campuchia hôm 13/2.
Thông báo của Bộ Y tế Malaysia nêu rõ kết quả xét nghiệm cho thấy chồng bệnh nhân này không nhiễm virus.