Lào Cai: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Lào Cai đã nỗ lực, tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động về phát triển văn hóa, con người và đạt được nhiều kết quả tích cực.Những năm qua, Lào Cai đã triển khai thực hiện đồng bộ các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội… Gắn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, nhận thức về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai được nâng lên, thể hiện rõ trong nhận thức và hành động. Truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục được bồi đắp, phát huy; tình yêu thương đồng bào, đồng chí được vun đắp.
Tăng cường giao lưu văn hóa khu vực Tây Bắc
Các phong trào thi đua yêu nước với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đem lại hiệu quả thiết thực. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người tốt việc tốt, góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình. Năm 2014, toàn tỉnh Lào Cai có 76,55% hộ gia đình văn hóa thì đến năm 2018 đã có 82% hộ gia đình văn hóa. Phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa được đẩy mạnh. Năm 2014 có 1.493/2.198 thôn, bản, tổ dân phố văn hoá (đạt 67,93%) thì đến năm 2018 có 1.679/1.997 (đạt 84%). Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hoá được duy trì và từng bước nâng cao về chất lượng. Các cơ quan, đơn vị, trường học đã đẩy mạnh phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao để giao lưu, học hỏi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho tầng lớp công nhân, viên chức, lao động, học sinh. Số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa tăng qua từng năm.
Lào Cai đặc biệt quan tâm đến xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, trong 5 năm qua, tỉnh Lào Cai không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện Lào Cai có trên 4.000 doanh nghiệp và hàng ngàn hợp tác xã, trang trại, hộ kinh doanh. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh có trên 300 doanh nghiệp - doanh nhân là thành viên hoạt động trong tất các lĩnh vực kinh doanh, từng bước khẳng định được vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp - doanh nhân Lào Cai với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Với sự năng động của các doanh nhân, doanh nghiệp đang đóng góp một phần quan trọng cho nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục nghìn lao động trên địa bàn tỉnh và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Lào Cai đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo và các xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới cũng như các hoạt động thiện nguyện khác.
Hoạt động văn học - nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố. Hoạt động của hệ thống bảo tàng, thư viện, di tích, di sản văn hóa, các đoàn nghệ thuật, các trung tâm, nhà văn hóa... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân.
Lào Cai chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa với nhiều hình thức phong phú. Tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, khu vực như: Tổ chức Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua, hai quốc gia” Việt Nam - Trung Quốc; tổ chức Giải Marathon vượt núi Việt Nam,… Tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn quay phim quảng bá du lịch, nghiên cứu văn hóa, các đoàn gameshow… vào thực hiện chương trình tại tỉnh Lào Cai qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, con người, danh lam thắng cảnh và các di sản văn hóa của tỉnh đến với bạn bè quốc tế. Năm 2018, Lào Cai đã vinh dự là 1 trong 4 tỉnh, thành phố được nhận Bằng UNESCO ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Điều đó đã chứng minh những nỗ lực của Lào Cai về phát huy những thế mạnh trong xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch gắn với gìn giữ các giá trị di sản văn hóa theo đúng cam kết với UNESCO và quốc tế.
Bảo tồn các văn hóa phi vật thể (Ảnh tư liệu)
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo đối với lĩnh vực văn hóa. Tập trung thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chương trình, đề án của Trung ương và nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giáo dục - đào tạo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, đưa thông tin về cơ sở. Đẩy nhanh chương trình, dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.