Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Phát triển văn hóa, thể thao truyền thống, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân...; “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa  các dân tộc, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển sâu rộng các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, vận động cải tạo các hủ tục lạc hậu gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, quản lý và khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm. Nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác như: Kiến trúc đặc trưng và các lễ hội đặc sắc; văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng của từng dân tộc; các nghề thủ công truyền thống còn được lưu giữ và phát triển.

Những ngôi nhà trình tường cổ kính nằm bên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ là điểm đến thu hút du khách.   Ảnh TL.

Đối với văn hoá phi vật thể, Bát Xát vừa là nơi cung cấp chất liệu, vừa là địa bàn chính được lập hồ sơ công nhận với tổng số 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia gồm: Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Roóng Poọc (Xuống đồng) của người Giáy; Lễ hội Khô Già Già (Cầu mùa) của người Hà Nhì đen; Chữ Nôm của người Dao tỉnh Lào Cai; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Lễ Khoi Kìm (Cúng rừng) của người Dao; Lễ Gạ Ma Do (cúng rừng) của người Hà Nhì; Nghi lễ Then của người Giáy huyện Bát Xát; Lễ hội Pút tồng (Tết nhảy) của người Dao đỏ; Tri thức dân gian trong canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì huyện Bát Xát. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.

Công tác rà soát, lập hồ sơ công nhận và phát huy vai trò của các nghệ nhân dân ưu tú, nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng bản được quan tâm. Các nghệ nhân đã từng bước phát huy được vai trò hạt nhân trong giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là sợi dây kết nối các yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc với cộng đồng, đồng thời làm giàu thêm các giá trị di sản văn hoá thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hoá. Trong giai đoạn hiện nay, những nghệ nhân, già làng, người có uy tín chính là kho tư liệu, là "cơ sở dữ liệu" vô cùng quý giá, là nhân tố chính trong thực hành và truyền dạy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc đến thế hệ trẻ.

Quá trình quần cư, lao động sản xuất của đồng bào, nhân dân các dân tộc Bát Xát còn tạo tác thành những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ đó là các thửa ruộng bậc thang, đặc biệt là các xã Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Y Tý, A Lù… Đây là kiệt tác tiêu biểu, lưu trữ những tri thức dân gian tích luỹ hàng trăm năm của tập quán canh tác của các dân tộc vùng cao huyện Bát Xát. Trí sáng tạo và bàn tay lao động cần cù còn thể hiện trong lối kiến trúc truyền thống đặc sắc mà nổi bật là kiến trúc nhà ở Trình Tường của người Hà Nhì với căn nhà hình vuông bốn mái hình chóp, lợp gianh hàm chứa những tri thức về năng lực thích ứng với thiên nhiên giá rét của vùng cao.

Bánh dày - Ẩm thực không thể thiếu trong các lễ hội của người Hà Nhì, Bát Xát.

Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc huyện Bát Xát lưu trữ và trao truyền nhiều chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống đặc sắc với giai điệu và nhạc cụ đa dạng: Đàn môi, Đàn Óc tờ, Kèn lá, Nhị của người Hà Nhì; Khèn, Sáo, Gậy Sinh tiền của người Mông; Kèn Pí lè; Trống, chụm choẹ của người Giáy; Chuông, trống của người Dao… Ngoài ra, đồng bào các dân tộc Bát Xát còn bảo tồn và phát huy được một số nghề truyền thống tiêu biểu như: Chạm khắc bạc của người Dao; may thêu, dệt vải của người người Mông, người Dao, người Giáy, Hà Nhì; đan lát của người Hà Nhì; nghề nấu rượu thóc của dân tộc Dao, nghề rèn nông cụ của dân tộc Mông.

Nói đến đặc sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc Bát Xát, còn phải kể đến các phiên chợ vùng cao. Chợ phiên Y Tý họp vào ngày thứ 7 hằng tuần, chủ yếu bày bán sản vật địa phương. Chợ phiên Mường Hum họp vào chủ nhật hàng tuần, là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi hàng nông sản, hàng tiêu dùng của bà con các dân tộc cụm xã Mường Hum. Tại chợ phiên du khách sẽ được trải nghiệm với nhiều nét đẹp văn hoá đặc sắc của vùng cao. 

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan văn hoá phát triển sâu rộng. Đến nay, Bát Xát đã có trên 88% số hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 94% đạt thôn, tổ dân phố văn hoá. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư.

Huyện Bát Xát đã và đang chú trọng bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Từ đó, tạo được sức lan toả trong cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Bát Xát trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc./.                                                   

Nhật Minh

Tin Liên Quan

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

[Ảnh] Độc đáo thổ cẩm thêu tay của phụ nữ dân tộc Dao đỏ Sa Pa

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh, mỗi chị em phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sự tỷ mỷ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.

Người Dao ở Văn Bàn giữ gìn văn hóa truyền thống

Tới thăm xóm người Dao ở thôn Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, chúng tôi gặp các bà, các chị đang miệt mài ngồi thêu bên hiên nhà. Trong bộ trang phục truyền thống, các bà, các chị đưa những đường kim mũi chỉ tạo hình lên các tấm vải nhỏ trên tay, vừa vui vẻ trò chuyện.