Sắc màu “Cao nguyên trắng”

Bắc Hà được du khách biết đến với tên gọi mỹ miều "Cao nguyên trắng". Cùng với những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, Bắc Hà còn là nơi hội tụ sắc màu văn hoá dân tộc, những đặc sản của miền Tây Bắc, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt níu chân du khách.

Ai đã từng đặt chân đến "Cao nguyên trắng" Bắc Hà vào mùa xuân sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh đẹp nên thơ. Khi mặt trời “treo ngược cành cây” cũng là lúc những ngọn núi ở Bắc Hà chuyển từ màu xanh sang màu trắng muốt trong bạt ngàn của hoa mận, mơ, lê... Có lẽ, trước cảnh đẹp tuyệt mỹ này mà nhạc sỹ Thuận Yến, dù lần đầu đến Bắc Hà đã không giấu nổi cảm xúc của mình và viết lên bài hát "Bắc Hà yêu thương". Những ca từ lay động lòng người: "Mời anh đến thăm quê em, chỉ một lần mãi không quên/ Đất Bắc Hà núi non xanh biếc/Người Bắc Hà nghĩa nặng tình sâu…" đã nói lên sự trìu mến, thân thương của đất và người trên rẻo cao này.

Du lịch trên sông Chảy.

 

Trên đường vào Bắc Hà, du khách qua dốc Trung Đô - con dốc dựng đứng như đường lên cổng trời uốn mình quanh co trên sườn dãy núi hùng vĩ, phủ trên mình những làn sương trắng xoá. Dừng chân nơi đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên. Khi những làn sương mù dần tan, cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ dần hiện ra với những dãy núi sừng sững oai hùng mang trong mình chiến tích một thời giúp Gia quốc công Vũ Văn Mật cùng dòng họ Vũ giữ yên vùng đất Bắc Hà vào cuối thế kỷ XVIII. Điểm tô dưới chân núi là ruộng bậc thang, thấp thoáng xa xa là những ngôi nhà sàn, nhà trình tường của đồng bào các dân tộc.

Đến Bắc Hà, du khách sẽ được tận hưởng khí hậu mát quanh năm. Dạo bước vào dịp chợ phiên, cảm nhận đầu tiên là hình ảnh đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá, La Chí… trong trang phục truyền thống xúng xính xuống chợ. Chợ phiên Bắc Hà họp vào chủ nhật hàng tuần, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là dịp để đồng bào gặp gỡ, giao lưu bạn bè, người thân. Đây là chợ phiên ở vùng cao vẫn còn giữ được những vẻ đẹp hoang sơ, đậm bản sắc dân tộc. Từ trên cao nhìn xuống, chợ Bắc Hà như một vườn hoa di động rực rỡ sắc màu của váy áo phụ nữ các dân tộc thiểu số hoà cùng sắc màu tươi mới của các quầy hàng ở chợ…

Ở chợ phiên Bắc Hà, nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất là khu bán đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm và cả những chiếc lù cởi bằng mây duyên dáng. Anh David Reyner đến từ Canada chia sẻ: Tôi đến đây để được khám phá vẻ đẹp của vùng đất này với rất nhiều sắc màu dân tộc và được hòa mình vào chợ phiên - nét sinh hoạt truyền thống chỉ vùng núi cao mới có… Còn anh Hồ Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Du lịch Tam Tam (thành phố Đà Nẵng) cho biết: Tôi lên Bắc Hà nhiều lần rồi, hôm nay mới có dịp được ngồi quây quần cùng bà con bên chảo thắng cố, nâng chén rượu ngô thơm nồng. Cảm giác này rất tuyệt vời, câu thơ "Khi vào nhớ dốc Trung Đô/Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà" quả là không sai.

Sau khi thưởng ngoạn chợ phiên, du khách lên núi Cô Tiên, ở đây có thể ngắm được cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và toàn cảnh thị trấn Bắc Hà. Dưới chân núi là dinh thự cổ Hoàng A Tưởng trầm tĩnh, uy nghi xen lẫn những thảm lúa, nương ngô, cánh rừng xanh ngát, minh chứng cho sự thịnh vượng của một vùng đất. Không chỉ có vậy, Bắc Hà còn nổi tiếng với lễ hội của đồng bào các dân tộc, như lễ hội Xuống đồng của người Tày, lễ hội Say sán của người Mông vào dịp mùa xuân. Đặc biệt, lễ hội đua ngựa truyền thống được tổ chức vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm, du khách được chứng kiến những chú ngựa phi nước kiệu trên đường đua thực sự hấp dẫn và đây cũng là thời điểm chín rộ của đặc sản mận tam hoa.

Rời trung tâm huyện Bắc Hà, bạn hãy tham gia tour du lịch thủy điện Cốc Ly. Đây là điểm du lịch mới được khai thác của huyện Bắc Hà. Lòng hồ thủy điện trải dài trên địa bàn 3 huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương, với mặt nước xanh biếc như chiếc gương phản chiếu những hình ảnh non nước hữu tình. Không chỉ có phong cảnh đẹp, đến đây, du khách còn được nghe âm thanh của những thác nước nhỏ từ trên cao đổ xuống như tiếng sáo réo rắt, hoặc tiếng chim hót, những cơn gió rì rào hòa quyện tấu lên bản giao hưởng tình ca Tây Bắc...

Đặng Ngọc Luyến (Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai