Chữ ký số - Giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính
Ứng dụng chữ ký số được triển khai trong các cơ quan nhà nước tại tỉnh Lào Cai từ năm 2014. Đến nay, gần 95.000 văn bản có ký số đã được thực hiện qua trục liên thông văn bản quốc gia và của tỉnh. Triển khai chữ ký số đang cho thấy hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.Ảnh minh họa.
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử với việc sử dụng công nghệ mã khóa công khai, được dùng như một chữ ký cá nhân hoặc thay cho con dấu của cơ quan, tổ chức. Văn bản điện tử đã ký số có giá trị pháp lý tương tương văn bản giấy. Điều này được khẳng định trong Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.
Chữ ký số có hai dạng, thứ nhất là chữ ký số công cộng được ứng dụng cho các doanh nghiệp và xã hội; thứ hai là chữ ký số hành chính được ứng dụng cho các cơ quan Nhà nước. Chữ ký số hành chính do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và xác thực. Chữ ký số công cộng dùng cho doanh nghiệp, người dân do tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Hiệu quả từ sử dụng chữ ký số
Để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật ứng dụng chữ ký số phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, Lào Cai đã nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp ký số và giải pháp tự động nhận dạng của Ban Cơ yếu Chính phủ. Hệ thống được triển khai thống nhất đến 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã và được kết nối liên thông với Chính phủ từ năm 2016.
Thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Thông tư 01/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ Quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng chữ ký số hoàn toàn trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành tỉnh Lào Cai.
Qua thực tế triển khai cho thấy, ứng dụng chữ ký số đã giúp cho lãnh đạo có thể ký văn bản ở bất kỳ đâu, góp phần thúc đẩy tiến trình giải quyết công việc một cách nhanh chóng, thuận tiện và linh hoạt, đem lại nhiều lợi ích rõ rệt. Không chỉ rút ngắn 2/3 thời gian so với phương thức tác nghiệp truyền thống, ứng dụng chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử còn tiết kiệm chi phí, giảm tải áp lực, nâng cao năng suất, hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện lộ trình tinh giảm biên chế, “sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Chị Nguyễn Thị Huyền – văn thư Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Trước đây, xử lý một văn bản để phát hành mất nhiều thời gian như còn phải phô tô, đóng dấu, dán phong bì gửi đi. Văn bản đã phát hành, tùy xa gần cũng mất nửa ngày, có khi đến cả tuần các cơ quan, đơn vị mới nhận được để xử lý. Nhưng từ khi ứng dụng chữ ký số vào tác nghiệp, thời gian gửi, nhận văn bản điện tử có ký số là gần như đồng thời, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí và công sức”.
Mới đây, tỉnh Lào Cai đã thống nhất chỉ đạo triển khai 100% văn bản thực hiện ký số và gửi, nhận điện tử (trừ văn bản mật). Để thực hiện chữ ký số trong các cơ quan nhà nước, Lào Cai hiện có 745 chứng thư số được cấp cho các tổ chức và cá nhân (trong đó, tổ chức là 466 chứng thư số và cá nhân là 299 chứng thư số).
Để đồng bộ hóa trong tác nghiệp, chữ ký số được tích hợp vào các ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh như: Hệ thống dịch vụ hành chính công; hệ thống văn bản và điều hành; hệ thống quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống cổng thông tin điện tử; hệ thống kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương và của tỉnh; hệ thống thư điện tử tỉnh Lào Cai.
Văn bản được ký số và gửi, nhận điện tử đến Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Các văn bản gửi, nhận điện tử giữa các cơ quan chuyên môn, địa phương trực thuộc tỉnh được thực hiện thông qua trục liên thông văn bản điện tử tỉnh Lào Cai. Tính đến ngày 6/6/2019, đã có gần 2.400 văn bản có ký số được thực hiện qua trục liên thông văn bản quốc gia và gần 92.600 văn bản điện tử được gửi, nhận qua trục liên thông văn bản của địa phương.
Việc triển khai, sử dụng chữ ký số đã và đang góp phần đổi mới phương thức hoạt động, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển chính quyền điện tử tại Lào Cai./.