Ngọt thơm bánh bỏng của người Giáy

Ẩm thực của mỗi dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều phong phú và chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, trong đó có những món bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết. Một số món bánh nổi tiếng như bánh khúc của người Nùng, bánh khoải của người Bố Y, bánh giầy của người Mông, bánh chưng đen của người Tày… và không thể không kể đến món bánh bỏng của người Giáy.

Vào tầm 25, 26 tháng Chạp, người Giáy ở các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên lại bắt tay vào làm món bánh bỏng truyền thống chuẩn bị cho tiệc tất niên và những ngày Tết Nguyên đán. Đối với người Giáy, dù giàu hay nghèo, ngày tết có món bánh bỏng là vui, là đủ đầy.

Món bánh bỏng được làm rất kỳ công.

Những công đoạn làm nên chiếc bánh bỏng không hề đơn giản. Các bà, các mẹ chọn loại gạo nếp ngon nhất, hạt tròn, đều rồi đem ngâm qua đêm cho gạo nở, sau đó, vớt ra, để ráo nước, trộn với nước mỡ và đem đồ chín thành xôi. Khi xôi nguội, người chế biến rắc bột lên, trộn đều để các hạt gạo tách rời nhau. Hạt nếp được ép mỏng dẹt rồi sắp lên những chiếc mẹt tre để phơi khô, gói cất cẩn thận. Khi làm bánh, xôi nếp được lấy ra, rang lên; những hạt nếp phồng nổ lép bép đủ lửa được trộn với đường phên làm từ mật mía có thêm nước cốt gừng. Bánh bỏng vàng ruộm, giòn, thơm được sắp vào khuôn gỗ rồi được cắt khéo léo bằng dao sắc thành những chiếc bánh bỏng nhỏ.

Những chiếc bánh bỏng đầu tiên được thành kính dâng cúng tổ tiên. Đám trẻ vui mừng, thích thú đợi bố, mẹ chia phần; người lớn cũng cùng nhau thưởng thức món bánh bỏng thơm ngon bên bếp lửa hồng bập bùng. Phần bánh còn lại sẽ được cất trong túi nilon, buộc kín để giữ độ giòn.

Nếu đã một lần thưởng thức món bánh bỏng của người Giáy, hầu như ai cũng đều yêu thích. Bởi vậy, hiện nay người Giáy không chỉ làm bánh bỏng trong những ngày tết, ngày có việc vui, mà còn làm để bán ở các buổi chợ phiên phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân trong vùng và có thêm thu nhập. Những cô, những chị người Giáy không giữ “bí quyết” làm bánh bỏng, họ sẵn sàng chia sẻ với những ai muốn học, đó là cách để phổ biến, giới thiệu nét đẹp văn hóa ẩm thực của dân tộc mình. Vì thế, không lạ khi du khách lên Lào Cai thấy những hộ người Kinh, người Nùng, người Mông cũng có thể làm thành công những chiếc bánh bỏng ngon.

Theo Phương Thảo/LCĐT

Tin Liên Quan

Mùa cốm mới bên dòng Nậm Bắt

Bằng bàn tay khéo léo, chăm chỉ, những phụ nữ Tày đã làm ra những “hạt ngọc xanh” đong đầy hương vị đất trời, đưa hạt cốm Hợp Thành trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của thành phố Lào Cai.

3 sản phẩm trà Lào Cai đạt giải thưởng trà thế giới tại Pháp

Theo thông báo từ Hiệp hội Bình chọn sản phẩm nông nghiệp thế giới tại Pháp - AVPA về kết quả Cuộc thi Trà quốc tế năm 2024, Lào Cai có 3 sản phẩm trà chế biến từ nguyên liệu lá cây trà Shan tuyết cổ thụ Hoàng Liên Sơn đã đạt giải thưởng trà thế giới với 2 giải Đồng và 1 giải Ấn tượng.

[Ảnh] Phụ nữ Tày Hợp Thành giữ nghề làm cốm

Tháng 10 vào độ cuối Thu, đến thôn Cáng 1, cáng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai, chúng tôi sẽ được hòa mình vào bầu không khí náo nức, rộn ràng của mùa cốm mới. Những phụ nữ Tày với đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, chịu khó ra đồng cắt lúa nếp về làm thành những hạt cốm dẻo thơm, mềm ngọt,...

SỦI DÌN - món ngon khi mùa thu về

[Ảnh] Nông dân Bát Xát thu hoạch sâm đất đầu vụ

Tháng 10, là thời điểm nông dân vùng cao huyện Bát Xát bắt đầu vào vụ thu hoạch củ sâm đất để bán cho thương lái. Năm nay, sản lượng sâm đất toàn huyện Bát Xát ước đạt 1.500 tấn củ.

[Ảnh] Tôi là: Bánh chưng đen

Dưới chân núi Khau Mạ cổ tích, trong không gian văn hóa nhà sàn và nhờ đôi tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Tày, tôi được sinh ra.