Những người lính tình nguyện Lào Cai giúp nhân dân Campuchia năm xưa
Kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019), chúng tôi - những cựu binh lại nhớ người lính Lào Cai trực tiếp cầm súng ở Binh đoàn Tây Nguyên có vinh dự cùng bộ đội quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia năm xưa.Các cựu chiến binh tỉnh Lào Cai nhập ngũ tháng 6/1974 từng có vinh dự trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc (1977 - 1/1979) và giúp nhân dân Campuchia. |
Thương nhớ nhất là các chiến sỹ con em đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai cầm súng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả hồi đó tại Binh đoàn Tây Nguyên, đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam tại tỉnh Tây Ninh (1977 - 1978) và cùng lực lượng cách mạng Campuchia tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Pôn Pốt để tiến quân vào giải phóng hoàn toàn thành phố Kông Pông Chàm và thủ đô Phnôm Pênh ngày 7/1/1979.
Hiện, có hàng chục mộ liệt sỹ bộ đội tình nguyện người Lào Cai hy sinh trong giai đoạn ác liệt đó đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế, đồi 82 huyện biên giới Tân Biên của tỉnh Tây Ninh, trong đó không ít liệt sỹ chưa có đầy đủ thông tin ghi trên mộ chí.
Trong các chiến sỹ tình nguyện là người Lào Cai chiến đấu dũng cảm có ông Trần Kim Ngọc, nguyên Đại tá, Phó Trưởng phòng Cảnh sát trật tự xã hội, Công an tỉnh Lào Cai (con trai Anh hùng liệt sỹ Trần Kim Chiến, Phó trưởng Ty Công an tỉnh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh Bình Thuận). Ông Trần Kim Ngọc là Đại đội trưởng trinh sát Sư đoàn 10 đã cùng đồng đội bám địch, giúp chỉ huy sư đoàn bảo vệ vững chắc các điểm tựa biên giới Tây Ninh và trực tiếp cùng quân và dân cách mạng Campuchia đánh đuổi quân Pôn Pốt từ Thủ đô Phnôm Pênh bỏ chạy lên vùng rừng núi Tà Sanh, giáp biên giới Thái Lan...
Trung đội trưởng súng DKZ của Trung đoàn bộ binh 64 (Sư đoàn 320A) Cồ Quốc Bảo, người dân tộc Nùng, quê ở huyện Mường Khương là người đầu tiên của Binh đoàn Tây Nguyên bắn xe tăng T58 của lính Pôn Pốt khi xâm lấn biên giới Tây Ninh năm 1978.
Chiến sỹ Trương Văn Nghĩa, cựu học sinh trường cấp 3 Lào Cai cùng anh em phân đội hỏa lực của Trung đoàn 64A, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng để bảo vệ chốt tiền tiêu biên giới. Sau chiến tranh, liệt sỹ Trương Văn Nghĩa đã được truy tặng danh hiệu Chiến sỹ Quyết thắng của Sư đoàn 320A năm 1978 và được truy tặng Huân chương Chiến công. Hiện, hài cốt của liệt sỹ Trương Văn Nghĩa đã được gia đình chuyển từ Nghĩa trang liệt sỹ Tân Biên, tỉnh Tây Ninh về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Nam Cường (thành phố Lào Cai).
Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế đồi 82 huyện Tân Biên - nơi an nghỉ của gần 14.000 liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia. |
Sau chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1977 - 1979), một số chiến sỹ người Lào Cai có trình độ văn hóa và sức khỏe tốt tiếp tục ở lại trong quân ngũ, đi đào tạo sỹ quan, một số đồng chí trưởng thành và trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội như Thiếu tướng Ngô Văn Hùng (chiến sỹ Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 320A), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, Phó Tư lệnh Quân khu 2. Còn có Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) là Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai); Đại tá Nguyễn Minh Khôi (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai), cán bộ Cục Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Quốc phòng); Thượng tá Phạm Văn Hải (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) là Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Lào Cai...
Còn nhiều chiến sỹ khác phục viên về sinh sống ở các huyện trong tỉnh, hoặc chuyển ngành công tác đều giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.