Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tham gia đóng góp ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại tổ vào sáng 2/11.Trong phiên họp buổi sáng đã có 14 đại biểu tham gia phát biểu. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tham gia vào Hiệp định CPTPP sẽ tạo thêm việc làm cho lao động trong nước, là động lực tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo môi trường kinh doanh tin tưởng thu hút các nhà đầu tư.
Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn) |
Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) cho rằng, làm thế nào để chúng ta có thể triển khai Hiệp định CPTPP một cách có hiệu quả? Đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu đưa ra phân tích:
Thứ nhất, báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã chỉ ra khá nhiều những thuận lợi khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, một vấn đề đặc biệt vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam ở góc độ quốc gia, đó là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Đây mới chính là lợi ích lâu dài khi chúng ta tham gia Hiệp định CPTPP.
Thứ hai, bên cạnh những ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại thì thách thức của nền kinh tế Việt Nam nằm ở năng lực cạnh tranh. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực dồi dào cùng sự đào tạo tương xứng để đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Sự chuyển biến nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển sang mô hình phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, xói mòn lợi thế lao động chi phí thấp và tài nguyên. Nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học - công nghệ thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ của Hiệp định CPTPP, đồng thời chịu những tác động không thuận của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng thay đổi căn bản cấu trúc và cách thức tổ chức chuỗi sản xuất giá trị. Theo đó, khâu sản xuất, lắp ráp ngày càng bị co hẹp trong chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất đầu tư có xu hướng tập trung về những nước có thị trường lớn và công nghệ cao. Xu hướng xuất khẩu linh kiện bán thành phẩm từ các nước phát triển sang các nước có lao động chi phí thấp, xuất khẩu trở lại. Các nước phát triển sẽ giảm dần vai trò trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cần phải tìm động lực mới cho phát triển gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ được phát triển từ cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển những lĩnh vực này không chỉ tạo ra nhiều việc làm mới mà còn tạo nhu cầu và thị trường cho đổi mới và sáng tạo công nghệ.
Cùng quan điểm, nhiều đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần nhanh chóng sửa đổi các luật và các quy định liên quan để Việt Nam nhanh chóng hội nhập và tránh bị thua thiệt, đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân và đặc biệt là các doanh nghiệp để nhanh chóng tiếp cận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến đối với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại hội trường ngày hôm nay cũng như tại các tổ đại biểu. Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, đối với việc sau khi Hiệp định CPTPP được phê chuẩn, Chính phủ sẽ có các chương trình, kế hoạch để triển khai thực thi Hiệp định này.