Nhớ mùa “lộc” núi
Ra Giêng. Đất trời như bừng sáng sau những đêm ngủ đông dằng dặc. Bước chân xuống thềm, cây đào trước cửa nảy thêm bao lộc biếc. Trên lá còn vương lại những giọt sương đêm. Cơn mưa xuân phảng phất, tuy thoáng qua nhưng cũng đủ làm rơi bông hoa gạo đầu mùa. Đất cựa mình nảy nở, ấy là khoảng thời gian rộ mùa măng đắng.Long Khánh (huyện Bảo Yên) là xã nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, giáp với xã Yên Lạc, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Ngày ấy, Long Khánh còn nghèo lắm. Đường đến ngôi trường cấp 2 của xã phải vượt qua con dốc dựng đứng, ngoằn nghoèo hơn năm cây số. Một bên là Ngòi Trĩ, còn một bên là những cánh rừng bạt ngàn vầu đắng. Gọi là ngòi nhưng đó là con suối lớn bắt nguồn từ sườn đông của dãy núi Con Voi len lỏi trong những cánh rừng, vách đá để thu nước rồi đổ ra sông Chảy. Ngôi trường liên cấp 1 - 2 của xã chỉ có 7 lớp với gần 200 học sinh. Tiếng là trường trung tâm nhưng lại tọa lạc một mình ven suối và dựa lưng vào cánh rừng vầu xa trung tâm xã và làng bản. Ngôi trường ấy chỉ ồn ào buổi sáng khi có học sinh, buổi chiều thì đìu hiu vắng ngắt. Thi thoảng có tiếng lốc cốc của chú trâu lạc vào sân trường ăn cỏ. Thỉnh thoảng, nó cọ mình vào cây vầu xiêu xiêu ở giữa sân trường làm cho lá cờ trên đỉnh rung lên bần bật.
Giáo viên chủ yếu là ở Phố Ràng xuống. Khu tập thể chỉ có đôi vợ chồng mới cưới và một cô giáo lỡ thì. Ngày ấy, vừa mới thoát thời kỳ bao cấp, cánh giáo viên có lẽ khổ nhất, khổ tận cùng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi họ phải cắm bản. Không điện, tối soạn bài bằng đèn dầu. Không thông tin, báo thì mỗi tuần một số Nhân Dân. Tiêu chuẩn trong sổ mua lương thực chỉ có 13 cân gạo. Nói là 13 cân nhưng tháng nào cửa hàng lương thực cũng chỉ bán cho 8 đến 9 cân. Chất lượng gạo thì vừa hôi, vừa lẫn sạn và đỏ quạch. Còn lại, tháng thì sắn lát khô, tháng thì mì mốc, bo bo.
Rất may cho cánh giáo viên vào những ngày giáp hạt. Nói từ “giáp hạt” bây giờ bọn trẻ không hiểu là gì, chỉ có con nhà nông may ra mới hiểu. Đó là khoảng thời gian chưa đến vụ gặt, tức là khoảng tháng 2 đến tháng 3 và tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Thời gian này là khoảng thời gian khó khăn nhất, nhiều nhà đứt bữa vì thiếu gạo ăn. Cánh giáo viên tuy không đứt bữa kiểu nhà nông, nhưng còn khốn khổ hơn bởi vì nhà nông còn trông vào củ khoai, củ sắn và còn có thể vác thuổng lên rừng đào củ mài cho “qua ngày đoạn tháng”. Cánh rừng vầu ngày ấy bên cạnh trường bỗng trở thành cứu cánh. Ngày ấy, giáo viên chúng tôi ngày hai bữa măng đắng, đổi bữa thì thêm rau ngải. Hai bữa ăn chính chỉ có lưng cơm, còn lại là măng đắng hoặc ngải cứu xào không mỡ. Sau những cơn quặn mình của trời đất, đì đùng trên cao vài tiếng sấm đầu mùa, những ngọn măng đắng cứ thế thi nhau chui lên.
Măng vầu, nhất là măng đắng có lẽ là loài sinh sôi nảy nở nhanh nhất trong loài cây có dóng. Vừa mới hôm trước đào hết, hôm sau đã có ngọn măng mới nhú lên. Lấy măng về phải là người biết bóc thì mới đầy đủ vị ngon. Khi bóc, cần bóc từng bẹ lá bao quanh rồi tay bấm ôm lấy thân măng chỗ lá non, cái ngon ngọt là ở phần lá ấy. Còn phần dóng măng, khi đã có sấm và tai măng đã xanh thì đắng lắm. Măng đắng có thể chẻ dọc, luộc tươi thật kỹ rồi chấm với mẻ chua chưng. Vị đắng của măng hòa với vị chua của mẻ tạo thành món ăn dân giã mang đậm hương sắc của núi rừng. Giờ đây, măng đắng thành đặc sản của Lào Cai nói riêng và núi rừng Tây Bắc nói chung. Măng đắng còn có thể thái mỏng lát ngang rồi xào thật nhiều mỡ với cà chua; khi măng chín cho thêm tỏi tươi giã nhỏ và lá mùi tàu.
Ở Lào Cai, măng đắng ngon nhất là ở Văn Bàn và Bảo Yên. Nhưng ở Bảo Yên thì ngon nhất lại phải là măng Long Khánh. Măng ngon là ngọn măng phải trường dóng. Muốn biết chỉ cần nhìn bẹ lá màu vàng thưa nhau, tai măng hay chính là phần lá trên cùng phải mỏng vừa phải, tươi xanh là biết măng ngon. Mùa măng đắng kéo dài thông thường trước Tết nguyên đán khoảng hai tuần cho đến gần hết tháng Tư âm lịch năm sau. Khi cuối mùa, măng đắng còn có một tên nữa là “măng rung” hay “măng băm”. Đó là những cây măng đã quá cao mà không thể lấy thông thường như đào bằng thuổng hay bằng dao được. Khi đi lấy măng, phải nắm chắc thân cây măng mà rung thật mạnh. Phần ngọn chưa phân cành vẫn còn là búp nên gẫy xuống rồi bóc và băm nhỏ theo chiều dọc. Những sợi “măng băm” trắng nõn vẫn tươi non hấp dẫn. Nhưng có điều “măng băm” hay “măng rung” lúc này không còn đắng nữa. Khi xào với thịt nạc hoặc có thể cuốn lẫn làm nem, ăn cũng ngon mà lại nhuận tràng.
Những hạt mưa xuân như rây bột lất phất trong gió, bước chân ra ngửa mặt lên để cảm nhận cái nồng ấm, tươi mát của mùa xuân. Bài thơ “Lộc núi” của cố nhà báo, nhà thơ Hồ Xuân Đoan chợt hiện về. Những câu thơ mộc mạc, dung dị như lời tri ân những ngọn măng đắng. Bởi măng đắng đã thành “lộc” của núi rừng, cưu mang bao nhiêu người trong thời kỳ còn đói kém. Tôi bỗng nhớ về những ngọn măng đắng, nhớ về Bảo Yên, nhớ về một thời “cõng chữ lên non”.