Y đức của người thầy thuốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức. Các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức là nội dung quan trọng trong tư tưởng và đạo đức của Người. Ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, Người đặc biệt quan tâm đến y đức - đạo đức của người thầy thuốc cách mạng. Theo Hồ Chí Minh: “Ngành y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh”.Trong 20 năm, từ năm 1947 đến năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 25 bức thư cho ngành y, thương binh - xã hội. Trong các bức thư, Người thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, sự hy sinh, tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên ngành y. Đặc biệt, cách đây 63 năm, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27/2/1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu “Lương y phải như từ mẫu”. Bác nói về nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, thầy thuốc cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi tặng quà bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. |
Trong lời căn dặn “Lương y phải như từ mẫu”, Bác dùng chữ “phải” với mong muốn nhấn mạnh, người thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ hiền, phải hội tụ đầy đủ các đức tính tốt đẹp như dịu dàng, tận tình, chu đáo, chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng hy sinh để làm tròn phận sự cứu người. Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu, như vụ lợi, tiêu cực, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc với người bệnh, tắc trách trong công việc. “Lương y phải như từ mẫu” là cốt lõi của đạo đức ngành y.
Tư tưởng y đức “Lương y phải như từ mẫu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm và khẩu hiệu của ngành y tế, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học nước ta. Nhằm nâng cao y đức và quyết tâm đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh, ngày 6/11/1996, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2088/BYT-QĐ quy định về tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế gồm 12 điều. Những nội dung cơ bản của 12 điều y đức là những quy định về tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, tận tình, chu đáo, cẩn trọng, trách nhiệm trong khám, chữa bệnh, tôn trọng bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo. Trong điều trị phải tận tình, chu đáo, theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời các tình huống như cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nói: “Đến, niềm nở tiếp đón. Ở, tận tình chăm sóc. Đi, ân cần dặn dò”.
Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế đã thực hiện đúng tôn chỉ mục đích nghề nghiệp, luôn đoàn kết một lòng, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, giữ gìn y đức, nâng cao tay nghề với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Đỗ Tất Lợi, Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Đặng Thùy Trâm… là những tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học và y tế của nước ta.
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Ngành y có nhiều điều kiện phát triển. Đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến trong nghiên cứu khoa học, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, vẫn còn hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, hách dịch, gây bức xúc cho bệnh nhân, hiện tượng “chảy máu chất xám” trong nghề y vẫn tồn tại… Những vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ người bệnh và sự phát triển bền vững của ngành y nói chung.
Trước tình hình đó, đội ngũ y bác sỹ hiện nay cần phải chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng tiến bộ của y học thế giới vào hoạt động khám, chữa bệnh. Rèn luyện y đức, vững vàng bản lĩnh, đấu tranh với những cám dỗ, tiêu cực để bảo vệ sự trong sáng, giữ gìn hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc. Đó là việc làm vừa thường xuyên, liên tục, cấp bách, lâu dài của ngành y trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh, củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân.
Kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018) là dịp để mỗi chúng ta, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác y tế nhận thức sâu sắc hơn lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Mỗi cán bộ y tế trên vị trí công tác của mình cần phải rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng để trở thành người thầy thuốc vừa có đức vừa có tài, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”.
Đoàn Ngọc Tuyến
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy