Điều chỉnh địa giới để đáp ứng yêu cầu phát triển
Xung quanh việc triển khai mở rộng địa giới hành chính thành phố Lào Cai và điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, hiện một số người dân chưa nắm rõ nội dung, ý nghĩa của chủ trương này. Phóng viên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp và nâng cấp đô thị trên địa bàn tỉnh về vấn đề này.Phóng viên: Thưa đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh lỵ Lào Cai dựa trên những cơ sở nào?
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng: Cách đây 10 năm, ngày 30/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung. Theo đó, vùng biên giới Việt - Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có mối quan hệ mật thiết với Thủ đô Hà Nội, các vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ thông qua hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị quan trọng. Đầu năm 2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký ban hành Quyết định về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, trong đó có mục tiêu xây dựng thành phố Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế lớn, đô thị hiện đại, địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế, giao lưu kinh tế của vùng, của cả nước với Trung Quốc và quốc tế. Ngày 11/9/2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 2305/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Lào Cai đến năm 2030. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có kết luận về phương án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lào Cai, theo đó, giữ nguyên ranh giới phía Đông và phía Đông Bắc; phía Tây sáp nhập toàn bộ xã Cốc San; phía Tây Bắc mở rộng đến suối Quang Kim (Bát Xát), nối liền Khu Kinh tế cửa khẩu với Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành; phía Nam mở rộng đến suối Ngòi Bo, xã Gia Phú (Bảo Thắng).
Trong giai đoạn 2011 - 2016, thành phố Lào Cai đã có những bước “đột phá” về thu hút đầu tư phát triển đô thị, trong đó đã và đang triển khai hàng chục dự án với giá trị hàng nghìn tỷ đồng từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Bitexco, Kosygroup, Vingroup, Mường Thanh… Bởi vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lào Cai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo điều kiện, nguồn xung lực cho địa phương phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc trong những năm tới.
Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lào Cai sẽ tạo xung lực cho phát triển. |
Phóng viên: Việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát, Bảo Thắng là cần thiết, vậy sau khi tiến hành có ảnh hưởng như thế nào tới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và các chỉ tiêu phát triển theo kế hoạch trước đây?
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng: Việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lào Cai và 2 huyện Bát Xát và Bảo Thắng đã được Ban Chỉ đạo nghiên cứu rất kỹ trên cơ sở tính toán các yếu tố như quy hoạch về không gian, địa hình, địa vật, lịch sử và văn hóa, tổ chức bộ máy các xã, phường có liên quan. Việc điều chỉnh địa giới hành chính không làm ảnh hưởng tới tổ chức bộ máy cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tại các xã, phường, không tác động xấu đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Bát Xát và Bảo Thắng sau khi điều chỉnh địa giới. Thực hiện các nội dung của Đề án sẽ tạo luồng sinh khí mới cho phát triển của các địa phương giáp ranh.
Phóng viên: Đến nay, tình hình triển khai Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lào Cai đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ?
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng: Ngày 6/11/2017, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án của tỉnh đã tổ chức họp triển khai nhiệm vụ. Ngay sau đó, ngày 8/11/2017, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh Tờ trình về việc xin chủ trương, phương án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Lào Cai, các xã, phường thuộc thành phố Lào Cai. Sở Nội vụ đã dự thảo và trình UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình kỳ họp HĐND các cấp thông qua nội dung Đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, Sở Nội vụ đã chủ động triển khai các nội dung liên quan, tập huấn, hướng dẫn thống nhất trong nội bộ ngành nội vụ về việc lấy ý kiến nhân dân và trình kỳ họp HĐND các cấp. Sở Nội vụ đã phối hợp với đơn vị tư vấn chuẩn bị mẫu phiếu và các tài liệu liên quan đến phiếu lấy ý kiến cử tri tại các xã, phường, thị trấn có liên quan.
Các huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai hiện cũng làm tốt việc rà soát số lượng cử tri và chuẩn bị cho các điểm bỏ phiếu lấy ý kiến cử tri về thực hiện các nội dung thực hiện Đề án. Đến nay, 3 địa phương đã hoàn tất các điều kiện để tổ chức lấy ý kiến của cử tri, chậm nhất vào ngày 19/11.
Phóng viên: Nếu lấy ví dụ sinh động về những lần điều chỉnh địa giới hành chính trên thực tế thì đồng chí sẽ nói gì?
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng: Không riêng tỉnh Lào Cai, với tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh như những năm vừa qua, có rất nhiều tỉnh trên cả nước đã phải điều chỉnh địa giới hành chính đô thị tỉnh lỵ theo hướng mở rộng không gian. Thành phố Lào Cai có quy mô phát triển như hiện nay cũng là nhờ việc sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường cách đây 15 năm. Năm 2008, chúng ta cũng đã chứng kiến việc sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội để mở rộng địa giới của thủ đô nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện tại và trong tương lai.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn.