Xây dựng nền sản xuất hàng hóa thích ứng với thị trường
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về kết quả 2 năm thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU của Tỉnh ủy về Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020, được tổ chức sáng 8/11.Dự buổi làm việc còn có đồng chí Tăng Ngọc Phòng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo khái quát một số kết quả thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU của Tỉnh ủy về Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những năm qua đạt mức bình quân 6,06%, tổng giá trị trong năm 2017 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 6.160 tỷ đồng (tăng gần 700 tỷ đồng so với năm 2015).
Về cơ cấu nội ngành, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 58,2% (năm 2015) xuống 56,95% (vượt 5,3% mục tiêu Đề án đến năm 2020); chăn nuôi tăng từ 40,9% (năm 2015) lên 41,9% (tăng 12% so với mục tiêu Đề án đến năm 2020); cơ cấu dịch vụ nông nghiệp tăng từ 0,9% (năm 2015) lên 1,15%.
Giá trị sản xuất nông nghiệp tính theo diện tích đất canh tác có bước tăng khá, ước năm 2017 đạt trung bình 62,6 triệu đồng/năm (tăng 13,88 triệu đồng so với năm 2015). Tổng sản lượng lương thực có hạt trong năm 2017 ước đạt 305.334 tấn (tăng 23.434 tấn so với năm 2015), đạt 89,8% mục tiêu Đề án. Chăn nuôi có mức tăng trưởng khá, tổng sản lượng thịt hơi các loại trong năm 2017 ước đạt 56.800 tấn (tăng 1.640 tấn so với năm 2015, vượt gần 12% so với mục tiêu Đề án), sản lượng thủy sản tăng 19,3% so với năm 2015.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện Đề án số 01. |
Về mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, thu nhập bình quân của người dân hiện đạt 17 triệu đồng/năm (tăng 4 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5% - 6% mỗi năm. Một số chỉ tiêu khác cũng có sự thay đổi tích cực như: Tỷ lệ che phủ rừng năm 2017 ước đạt 54,2% (tăng 0,9% so với năm 2015); dự kiến đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu một số đề xuất, kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đó là: Bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo các ngành tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn. Xây dựng chính sách đặc thù về hỗ trợ, nâng cao chất lượng tiêu chí các xã đã hoàn thành nông thôn mới từ năm 2016 về trước. Sớm đồng ý chủ trương tích tụ đất đai tập trung đối với 2 khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Sa Pa và Bắc Hà đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các ngành đã tham gia nhiều ý kiến như: Không nên phát triển nông nghiệp dàn trải mà cần tập trung vào một số sản phẩm mũi nhọn, qua đó xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các ngành tốt hơn trong tham mưu huy động nguồn lực phát triển lưới điện nông thôn và dành cho duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, cấp nước sinh hoạt, công trình xây dựng nông thôn mới…
Lãnh đạo Sở Tài chính nêu việc huy động nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương trong thực hiện mục tiêu, chương trình, dự án phát triển liên quan đến sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nhấn mạnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có rất nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, yếu tố xã hội và nền móng phát triển. Trong đó có thể kể đến diện tích 5.000 ha chè (chủ yếu là diện tích chè hàng hóa), chính sách thu hút đầu tư, chính sách phát triển cây dược liệu đã có chủ trương của Chính phủ và cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Lào Cai cũng là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp có nhãn hiệu hàng hóa mạnh như: Gạo Séng cù, tương ớt Mường Khương, các loại rau ôn đới, cá nước lạnh; có thế mạnh về đất đai, khí hậu để phát triển quế, trồng rừng sản xuất, sản xuất các loại rau, hoa, cây ăn quả đặc trưng có tiềm năng lớn ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, điểm yếu của ngành nông nghiệp là: Phát triển phân tán; sự vào cuộc đầu tư của doanh nghiệp, các nguồn lực ngoài nhà nước, các tổ chức sản xuất xã hội còn manh mún, mới mang tính thăm dò; hoạt động liên kết còn mờ nhạt; các chính sách phát triển, nhất là xây dựng các mô hình, nâng tầm thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chính sách về duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng phát triển khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh kết luận buổi làm việc. |
Bí thư Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới là phải tạo ra sự đột phá về tăng trưởng dựa trên các yếu tố bền vững, đẩy mạnh nền sản xuất hàng hóa thích ứng với thị trường; làm giàu và mạnh hóa các thương hiệu hàng hóa sẵn có, xây dựng các nhãn hiệu mới, phát triển sản phẩm truyền thống, thế mạnh gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thúc đẩy liên kết giữa các khâu, các đối tượng. Đẩy mạnh liên kết mang tính khép kín, đồng bộ trong sản xuất và tiêu thụ với sự hướng tới thị trường tiềm năng có giá trị hàng hóa cao. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mục tiêu phát triển cần gắn công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân khu vực nông thôn.
Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần xây dựng, hoàn thiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển cụ thể; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát các thủ tục, chính sách phát triển không còn phù hợp để thay thế, loại trừ. Tiếp tục thúc đẩy công tác xã hội hóa việc duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn. Tham mưu cho tỉnh hoàn thiện thể chế, quy chế hoạt động của các đơn vị, cơ quan chuyên môn thuộc ngành sau khi cơ cấu lại. Có chính sách thu hút lao động, chuyên gia có trình độ sản xuất cao, tâm huyết với nghề làm nền móng cho phát triển sản xuất nông nghiệp...