Không dùng ngân sách để khắc phục hậu quả môi trường do doanh nghiệp gây ra
Tiếp sau chương trình làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 8/11, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường về đánh giá kết quả thực hiện Đề án số 10- ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án số 10).Cùng tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Tăng Ngọc Phòng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau gần 2 năm thực hiện Đề án số 10, công tác chỉ đạo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường được triển khai đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm. Kế hoạch thực hiện Đề án cho cả giai đoạn và từng năm đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu xây dựng, trong đó có nhiều dự án thành phần, bước đầu có hiệu quả thiết thực. Công tác quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất được quan tâm; công tác quản lý nhà nước về đất đai được đẩy mạnh.
Hoạt động quản lý tài nguyên khoáng sản có chuyển biến tích cực theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên cơ bản được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhận thức, hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường đã có chuyến biến rõ rệt, các chỉ tiêu về môi trường có sự cải thiện đáng kể theo hướng tích cực. Chất lượng môi trường tại các điểm sản xuất công nghiệp được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, chất thải đô thị được thu gom và xử lý theo quy trình, công nghệ đạt chuẩn.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo nội dung thực hiện Đề án số 10. |
Cụ thể, về lĩnh vực đất đai và đo đạc bản đồ, ngành chức năng đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, điều tra đánh giá tài nguyên đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác đo đạc, bản đồ. Về lĩnh vực khoáng sản, hoàn thành Đề án Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tham mưu cấp trên ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, lập phương án bảo vệ khoáng sản khi chưa khai thác. Ngoài ra, ngành tài nguyên và môi trường cũng dành sự quan tâm quản lý đối với tài nguyên rừng, tài nguyên nước và tập trung cho lĩnh vực bảo vệ, kiểm soát môi trường đô thị, môi trường công nghiệp, môi trường nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng nêu những tồn tại về môi trường sản xuất công nghiệp. |
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo các ban Đảng của Tỉnh ủy, các ngành chức năng đã nêu một số tồn tại liên quan đến quy hoạch, tổ chức khai thác khoáng sản chủ lực và khoáng sản thông thường; nhu cầu đầu tư nâng cấp hệ thống các trạm khí tượng, thủy văn. Đề nghị ngành tài nguyên và môi trường rà soát 34 dự án thành phần, với các dự án không thực sự hiệu quả, khó triển khai thì cần hợp nhất hóa hoặc tạm dừng thực hiện để tập trung vào các dự án cấp bách, khả quan. Một trong những tồn tại là công tác đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản còn chậm, ở một số địa phương vẫn nổi lên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định. Công tác giám sát, bảo vệ môi trường còn có những điểm, những nơi chưa đạt yêu cầu, nhất là tại các khu công nghiệp đặc thù như Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh yêu cầu ngành tài nguyên và các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch quản lý, khai thác, chế biến nguồn khoáng sản. Đối với từng dự án cần phải làm rõ các khâu từ quản lý đến khai thác, chế biến. Đẩy mạnh việc quản lý khai thác, tiêu thụ khoáng sản thông thường để có kế hoạch bảo vệ môi trường, chống thất thu ngân sách nhà nước và hạn chế tối đa các hệ lụy xã hội nảy sinh. Quan điểm của Lào Cai là dự án nào có nơi tiêu thụ ổn định, tận dụng, tận thu quặng nghèo và đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản đi kèm mới cho phép khai thác.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh kết luận buổi làm việc. |
Về công tác bảo vệ môi trường, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát môi trường đô thị, môi trường nông thôn và nâng cấp hạ tầng, theo dõi, giám sát môi trường. Rà soát các dự án đầu tư xây dựng trên các lĩnh vực có liên quan đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để yêu cầu chủ đầu tư, doanh nghiệp phải xử lý những bất cập, tồn tại. Tỉnh sẽ đóng cửa hoặc đề nghị đóng cửa, tạm dừng hoạt động các dự án tác động nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Doanh nghiệp gây hại tới đâu, ngoài việc bị xử lý, xử phạt theo quy định, còn phải có trách nhiệm khắc phục toàn bộ hậu quả, tỉnh không dành ngân sách nhà nước cho khắc phục hậu quả môi trường do doanh nghiệp gây ra. Với Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, phải hết sức chú ý đến an toàn sản xuất, nhất là dự án sản xuất hóa chất có nguy cơ xảy ra sự cố. Một trong các vấn đề môi trường cần thực hiện là huy động nguồn lực để chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực thuộc diện đồi núi bạc màu, kém hiệu quả sang trồng rừng, phát triển cây dược liệu.
Ngành tài nguyên và môi trường, các địa phương tiếp tục thực hiện nghị quyết về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan chuyên môn, tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Ngành chức năng và các địa phương nghiên cứu chính sách, tham mưu cho tỉnh thực hiện chế độ ưu tiên, ưu đãi với cán bộ địa chính, tài nguyên cấp xã, nhằm nâng cao năng lực quản lý nguồn tài nguyên đất, hạn chế thấp nhất các vụ việc phức tạp liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai, gây ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Ngành tài nguyên và môi trường cần chủ động kiến nghị với các cơ quan Trung ương điều chỉnh văn bản hướng dẫn thi hành và có giải pháp tháo gỡ những bất cập, vướng mắc khi triển khai các quy định liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường...