Lào Cai: Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.Lào Cai đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của đất nước, khu vực
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 6% GRDP của tỉnh (trong đó ngành điện ảnh đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm; ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm; ngành quảng cáo đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm; ngành du lịch đến năm 2020 đạt trên 3.000 tỷ đồng), tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật dân gian và trình diễn; quảng cáo; thủ công mỹ nghệ (rèn, đúc, chạm khắc, dệt thổ cẩm và in thêu trên mọi chất liệu của đồng bào dân tộc); phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; thời trang; du lịch văn hóa. Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc; thiết kế; xuất bản; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tổng thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 10% GRDP của tỉnh, trong đó, tổng thu về du lịch văn hoá đạt trên 8.500 tỷ đồng. Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các tỉnh, thành, vùng phát triển của đất nước và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các cấp gắn với quảng bá hình ảnh, con người Lào Cai; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Lào Cai.
Chiến lược đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Tỉnh Lào Cai tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó định hướng hình thành một số doanh nghiệp lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình...
Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng. Huy động các nguồn lực trong xã hội để hình thành và phát triển 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của tỉnh (Vùng 1: Lào Cai, Sa Pa, Bát Xát; Vùng 2: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương; Vùng 3: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn) gắn với các di sản văn hóa, di tích danh thắng đã được xếp hạng. Đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của đất nước và quốc tế tại Lào Cai trở thành các sự kiện thường niên, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm./.