Uy linh đền thờ Thần vệ quốc - Hoàng Bảy
Lào Cai có một địa danh rất quen thuộc với người dân Việt Nam từ Bắc vào Nam, đó là đền Bảo Hà (dân gian vẫn gọi là đền ông Hoàng Bảy) - ngôi đền thiêng có lịch sử hình thành từ cuối thế kỷ thứ XVIII, gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có vị trí quan trọng trong phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc. Đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và cửa quan Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu, huyện phía hạ lưu.
Đền Bảo Hà - nơi thờ danh tướng Hoàng Bảy. |
Theo sử sách ghi chép lại, vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786) khắp vùng Quy Hóa, gồm châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc vùng phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương ấy, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Ông làm thống lĩnh cho quân thủy, quân bộ tiến lên Lào Cai, đánh đuổi quân giặc sang vùng Vân Nam (Trung Quốc).
Trong tác phẩm “Hưng hóa xứ phong thổ tục” của tiến sỹ Hoàng Bình Chính viết vào năm 1778 có ghi rõ: “Khắp vùng loạn lạc, cư dân điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang, trước tình thế đó, triều đình cử danh tướng thứ bảy họ Nguyễn lên trấn thủ vùng biên ải, tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân xâm lăng, giải phóng châu Văn Bàn, củng cố và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn”.
Trong một trận chiến đấu không cân sức với quân xâm lược, vị tướng thứ bảy của triều đình nhà Nguyễn đã anh dũng hy sinh. Thi thể ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đưa thi thể ông lên chôn cất tại đây và xây dựng đền thờ tưởng nhớ công tích vị anh hùng.
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban tặng ông danh hiệu Trấn an hiển liệt và đền thờ ông cũng được cấp sắc phong là Thần vệ quốc. Danh tướng Hoàng Bảy đã đi vào cõi tâm linh các dân tộc tỉnh Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung. Với giá trị lịch sử - văn hóa, tháng 11/1997, đền Bảo Hà đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Màn sử thi tái hiện công lao của danh tướng Hoàng Bảy. |
Theo ông Phạm Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Quản lý đền Bảo Hà: Điều đặc biệt của ngôi đền thiêng Bảo Hà là có vị trí đắc địa, tọa lạc dưới chân đồi Cấm ven sông Hồng. Về triết lý phong thủy Việt Nam, đó là thế tiền án, hậu trảm, tả phù, hữu bật; nhìn từ xa, đền Bảo Hà rất uy nghi, tĩnh tại, phong cảnh thiên nhiên hữu tình “trên bến, dưới thuyền”. Tất cả những chuyện kể về ông Hoàng Bảy chỉ là truyền thuyết, không ai biết ông, quê quán ở đâu, cũng như năm sinh, năm mất. Hiện nay, trong đền vẫn còn bộ trống âm dương và một chuông đồng cổ với hoa văn tinh xảo. Theo ông Chiến, đó là hai bảo vật của đền, vừa mang tính tâm linh, vừa là chứng tích mang tính văn hóa - lịch sử. Ngôi đền là biểu tượng của hào khí dân tộc, chủ nghĩa anh hùng với hình ảnh Thần vệ quốc Hoàng Bảy, người sau này được nhân dân trong vùng tôn là vị thánh.
Từ lâu, cứ đến trung tuần tháng Bảy âm lịch, du khách thập phương lại tụ hội về Bảo Hà để chiêm bái, thắp nén hương thơm tưởng niệm, cầu an, cầu lộc... Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương, xã Bảo Hà và Ban Quản lý đền đã tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà vào ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 âm lịch) theo nghi lễ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc của các thế hệ sau.
Nghi lễ rước kiệu trong Lễ hội đền Bảo Hà. |
Lễ hội đền Bảo Hà những năm qua đã được phục dựng nâng tầm thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Từ một lễ hội cấp xã, năm 2015, Lễ hội đền Bảo Hà đã được nâng lên thành lễ hội cấp huyện và năm 2016 trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu, tế thần, dâng hương; dàn dựng màn sử thi, tái hiện lại nội dung “Tướng Hoàng Bảy trấn ải miền biên cương”, giới thiệu công lao to lớn của quan Hoàng Bảy - người được sắc phong là Thần vệ quốc. Bên cạnh đó, vào đêm 15/7 âm lịch có Lễ cầu an, bút tháp về cõi vĩnh hằng khao quân, thả đèn hoa đăng, tán đàn cho những vị tướng sỹ yêu nước, anh hùng liệt sỹ. Ngoài ra, những ngày thường (đặc biệt vào mùa xuân) khách thập phương đến đền để thắp hương chiêm bái, tưởng niệm cầu an, cầu lộc.