Lào Cai: Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng
Thung lũng hoa Bắc Hà. Ảnh: TL
Du lịch cộng đồng cũng phát triển mạnh tại Lào Cai, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo gắn với đặc trưng văn hóa của tỉnh. Hiện nay tỉnh Lào Cai đã công nhận 16 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát, Sa Pa với gần 200 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (homestay) với mức thu nhập bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/hộ/tháng. Trong năm 2016 và 2017, nhóm hộ dân có nhà cho khách du lịch thuê (Homestay) tại Tả Van Giáy (Sa Pa) được trao giải thưởng Homestay Asean.
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề; câu lạc bộ thêu dệt thổ cẩm; các cửa hàng bán hàng lưu niệm; các thương hiệu hàng hóa đặc sản địa phương như thổ cẩm Sa Pa, tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù, rượu San Lùng,... Đồng thời, chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ du lịch như xây dựng mô hình làng nghề thủ công gắn với du lịch cộng đồng tại cụm xã Tả Van; mô hình chợ đêm phục vụ khách du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa; mô hình nấu rượu, trưng bày và bán sản phẩm cho khách du lịch tại Nhà du lịch Bắc Hà,… đã góp phần làm phong phú và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Dự án EU, các tỉnh dọc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang phối hợp xây dựng 4 sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ khách du lịch: Khám phá văn hóa người Việt cổ (Phú Thọ); Trải nghiệm văn hóa dân tộc (Lào Cai nối sang Hà Giang); Chinh phục đỉnh cao (chinh phục các đỉnh núi cao của Lào Cai và Lai Châu); Khám phá ruộng bậc thang (Lào Cai nối Yên Bái).
Giải đua xe đạp quốc tế "Một đường đua, hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc năm 2017". Ảnh: TL
Một số mô hình du lịch mới cũng đang được đầu tư và đã đưa vào khai thác như Quần thể khu du lịch cáp treo Fansipan với chuỗi dịch vụ vui chơi giải trí và du lịch tâm linh trên đỉnh Fansipan; du lịch sinh thái nông nghiệp tại Thung lũng hoa Bắc Hà; tổ chức các hoạt động du lịch có trách nhiệm (Giải Marathon vượt núi quốc tế, Giải đua xe đạp vượt núi; Giải đua xe đạp quốc tế Một vòng đua, hai quốc gia....), tạo ra sự đa dạng về sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Một số các sản phẩm du lịch đặc trưng khác đã được đầu tư khai thác một cách hiệu quả: Sản phẩm tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa (Trekking tours); du lịch chợ phiên (chợ văn hóa Bắc Hà, Cán Cấu - Si Ma Cai, Pha Long - Mường Khương, Y Tý, Mường Hum - Bát Xát); sản phẩm gắn với sự kiện du lịch như Marathon vượt núi quốc tế tại Sa Pa; đua xe đạp vượt núi Ô Quý Hồ; Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang Sa Pa; Sản phẩm du lịch chinh phục đỉnh cao (Fansipan và Ki Quan San - Bạch Mộc Lương Tử); xây dựng các tour du lịch trải nghiệm gắn với các làng nghề truyền thống; khôi phục các lễ hội truyền thống, tái hiện “Chợ tình Sa Pa” vào tối thứ 7 hàng tuần; qua đó giới thiệu được văn hóa giao duyên đặc sắc của người Mông - Dao, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa./.