Hội thảo bàn giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Chiều 28/7, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai năm 2017. Đồng chí Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai chủ trì hội thảo.Quang cảnh hội thảo
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, những năm gần đây, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại, có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thậm chí cả khu vực đô thị. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Đặc biệt, khu vực Trung du miền núi phía Bắc là các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Trong độ tuổi từ 10 - 17 tuổi, cứ 10 em trai thì có 01 em có vợ, 05 em gái có 01 em có chồng. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao là Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.
Đối với Lào Cai, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 9.722 người dân tộc thiểu số kết hôn, trong đó có 1.290 người (645 cặp) tảo hôn, chiếm 12,3% tổng số cặp kết hôn, bình quân có 258 cặp tảo hôn/năm (tăng 41 cặp so với giai đoạn 2009 – 2013). Tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng trở lại, địa bàn có số lượng tảo hôn cao tập trung ở các huyện: Mường Khương (414 người), Bắc Hà, (255 người), Sa Pa (202 người), Si Ma Cai (192 người),…
Về hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017 có 30 người (15 cặp) kết hôn cận huyết, trung bình có 6 cặp/năm, so với giai đoạn 2009 – 2013, số cặp hôn nhân cận huyết giảm hơn 3,2 lần.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết gia tăng do phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay; trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận phân tích về nguyên nhân để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong những năm tới.
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, huyện, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, kết hợp với xử lý theo hương ước, quy ước; phát huy vai trò của người có uy tín, gương người tốt việc tốt trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở. Xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ, đồng thời đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình mình và trong cộng đồng dân cư để khắc phục, bài trừ tệ nạn này./.